Tốp tuyển chọn 5 bài soạn làm văn số 2″ Nghị luận xã hội ” văn học 12 hay, ý nghĩa ngắn gọn mà xúc tích
“Nghị luận xã hội” bài soạn số 1
I. Mở bài
– Đặt vấn đề: Bạn đã bao giờ đi qua người gặp mà bỏ đi lạnh lùng? Đã bao giờ dừng chân trò chuyện với bà cụ ăn xin? Có bao giờ thương xót cho một đứa trẻ tật nguyền? Bạn có cảm xúc trước những vấn đề xung quanh không?
– Lối sống vô cảm đang dần ăn sâu vào đời sống con người. Liệu bạn đang có một lối sống vô cảm? Đừng nhìn từ bên ngoài mà phán xét lối sống ấy hãy tự mình suy ngẫm lại.
II. Thân bài
1. Giải thích
– Vô cảm là một trạng thái tinh thần mà khi đó con người không có một tình cảm mang tính nhân bản nào đối với sự vật sự việc diễn ra xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân.
2. Biểu hiện
– Thờ ơ, lạnh nhạt trước những nỗi đau của người khác, tàn nhẫn gây tổn thương đến người khác. VD: bắt gặp cảnh tai nạn ngoài đường không giúp đỡ mà chỉ quay video; có những kẻ máu lạnh sát hại cả gia đình vì tiền, vì dục vọng, …
– Không phẫn nộ trước cái xấu, cái ác và cũng không rung động trước cái đẹp, cái tốt. VD: Nhìn thấy cảnh bạo lực học đường không can ngăn hay giúp đỡ; bắt gặp kẻ móc túi trên xe buýt không lên tiếng…Không rung động trước những cái đẹp mục đích sống duy nhất chỉ là vật chất.
– Không quan tâm, tham gia hoạt động nào của đoàn thể, cộng đồng, ghét phải làm việc, giao tiếp trong môi trường tập thể.
– Không quan tâm đến những người thân của mình. VD: mọi người trong gia đình chỉ chú tâm vào trang mạng xã hội, con cái không biết yêu thương cha mẹ, chỉ đòi hỏi mọi thứ từ cha mẹ một cách thụ động
– Thờ ơ với chính bản thân mình. VD: sống không có ước mơ, không nỗ lực để đạt những điều mình muốn; không quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình: thức khuya, sử dụng các loại chất kích thích; …
3. Nguyên nhân
– Sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến con người phải sống gấp hơn, xem nhẹ việc vun đắp những giá trị tinh thần, có ít cơ hội hơn để chia sẻ với nhau.
– Sự bùng nổ của khoa học công nghệ làm giảm sự tương tác giữa người với người.
– Do cách giáo dục chỉ thiên về lí thuyết, giáo điều, không thực sự tác động đến tư tưởng tình cảm của người học.
– Do cách giáo dục con cái không phù hợp của mỗi gia đình
– Do lối sống vị kỉ của mỗi con người, chỉ biết theo đuổi những giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần.
4. Hậu quả
– Đối với mỗi cá nhân nó sẽ khiến họ giống như một cỗ máy không có tâm hồn, thành kẻ vô trách nhiệm, vô nhân tính.
– Cuộc sống mất đi những giá trị đích thực của nó, chỉ là sự tồn tại
– Đối với toàn xã hội, nó làm mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của ông cha ta từ ngàn đời nay
– Nếu tình trạng này lan rộng ra phạm vi toàn nhân loại thì hành tinh này sẽ trở thành hành tinh của các cỗ máy
5. Giải pháp
– Có ý thức phê phán lên án những người có thái độ, hành động vô cảm trong xã hội.
– Mỗi người hãy mở lòng mình sống yêu thương, quan tâm đến gia đình, những người xung và chính bản thân mình
– Hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ hiện đại, sử dụng chúng một cách hiệu quả.
– Nhà trường cần tăng cường giáo dục về đạo đức lối sống cho học sinh, chú ý vào thực hành, trải nghiệm để bồi dưỡng tình cảm cho học sinh.
– Tuyên truyền rộng rãi, tổ chức các hoạt động xã hội với mục đích xóa bỏ “căn bệnh vô cảm”.
III. Kết bài
– Bạn có đang là người sống vô cảm? Hãy nhận thức lại bản thân, hãy thức tỉnh chính mình và những người xung quanh bởi lối sống vô cảm sẽ giết chết tâm hồn mỗi người một cách từ từ, đáng sợ.
“Nghị luận xã hội” bài soạn số 2
Đề bài: Trình bày quan niệm của anh chị về vấn đề sống vô cảm.
Bài văn mẫu
Trịnh Công Sơn đã từng viết rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi”. Quả thực trong cuộc sống đầy những bất trắc bon chen này, ai cũng cần có một tấm lòng yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay lại xuất hiện lối sống thơ ơ, vô cảm. Quả thực là tình trạng đáng báo động.
Vô cảm có thể hiểu là không có tình cảm, cảm xúc, không có tình yêu thương, không có động tâm trước hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn. Đôi khi vô cảm cũng chính là không quan tâm đến chính tương lai của bản thân.
Cách đây không lâu, có lẽ ai cũng bàng hoàng khi đọc một tin tức, một bạn nữa sinh ngoài hai mươi tuổi sau khi sinh con đã đang tâm mà cho đứa bé vào túi rồi ném từ tầng ba mốt của một chung cư xuống. Quả thực đọc đến đó khiến cho chúng ta không khỏi lạnh gáy, sợ hãi. Sự vô cảm của con người lại đạt đến ngưỡng độ này rồi hay sao. Người ta vẫn thường nói hổ dữ không ăn thịt con, những hãy nhìn xem, người phụ nữ kia đang tâm đối xử với đứa con mình dứt ruột sinh ra như thế nào. Quả thực, sự tàn nhẫn, vô cảm của con người đã đến đô không thê khoanh tay đứng nhìn.
Vô cảm cũng có thể là khi bạn đi đường, thấy hiện tượng móc túi, hay dàn cảnh cướp giật trên đường. Nhưng tuyệt nhiên không mảy may bận tâm, hoặc sợ hãi nếu can thiệp sẽ bị vạ lây. Người bị hại chỉ biết đứng đó chân chối không nói một lời, cũng không thể cầu sự cứu giúp của người xung quanh. Cái ác được dịp lên ngôi, thừa cơ làm những điều tệ hại hơn nữa.
Quay video, thu hút sự quan tâm của mọi người trong khi người khác bị nạn lại trở thành một “trào lưu” trong giới trẻ. Quả là một trào lưu quái ghở. Họ đua nha lấy những chiếc điện thoại ra, quay chụp, cố sao cho chi tiết, rõ nét nhất, nhanh chóng tung lên mạng hòng nhận được sự chú ý của mọi. Nếu lúc đấy còn một chút nhân tính, thì chắc có lẽ họ sẽ không có những hành động vô cảm, thiếu lương tâm như vậy. Và cũng sẽ có không ít người bị chết oan uổng vì không được cứu chữa kịp thời, vì không có ai gọi xe cấp cứu. Thật đáng buồn thay.
Vô cảm còn là khi bạn bang quan với tương lai của chính mình. Sinh ra ai trong chúng ta cũng có mơ ước để là động lực không ngừng phấn đấu. Nhưng có rất nhiều kẻ lại như con “tằm” tình nguyện nằm trong kén mà không chịu bung mình để trở thành một chú bướm tự do. Cả cuộc đời họ chỉ luẩn quẩn, mặc kệ năm tháng trôi qua. Dường như họ chỉ tồn tại để chờ đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Trên thực tế, tình trạng vô cảm trong cuộc sống con người không phải chỉ gần đầy mới có. Mà chắc chắn đã manh nha từ rất lâu, nhưng lúc đó mới chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, nhưng hiện nay với sự tác động của nhiều yếu tố. Lối sống vô cảm ngày càng trở thành một bệnh dịch, dễ dàng ăn lan vào nhận thức con người. Trước hết là do đời sống khoa học kĩ thuật phát triển, con người ngày càng bận bịu với việc làm ra của cải vật chất, mà quên đi việc bồi dưỡng cho tâm hồn, dần dần hình thành nên lỗi sống vô cảm. Thứ hai, do tiếp xúc với những văn hóa phẩm không lành mạnh, những hình ảnh, bộ phim mang tính chất bạo lực cao, cũng là nguyên nhân khiến lối sống vô cảm ngày càng phổ biến. Không chỉ vậy, cha mẹ mải mê kiếm tiền, không quan tâm tới con cái, khiến chúng sống trong cô đơn. Cuộc sống thiếu tình thương cũng khiến cho những đứa trẻ mất đi sự chia sẻ, cảm thông với mọi ngươi. Cuối cùng, do bản thân mỗi người còn thiếu kiến định, tu dưỡng đạo đức chưa tốt nên dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố ngoại lai không tích cực.
Tuy là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm, nhưng cũng không phải có cách khắc phục. Mỗi chúng ta cần phải tu dưỡng cho bản thân mình một lối lành mạnh. Luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Sống chân thành, không vụ lợi, không giả dối. Khi gặp người bị nạn hãy nhiệt tình giúp đỡ họ. Thay vì xem những bộ phim bạo lực, hãy nghe một bản nhạc du dương, hãy đọc một câu chuyện cảm động, để tâm hồn mình được thanh sạch vaf trong sáng hơn.
Mỗi chúng ta, ai cũng có trong mình phần thiện lương, luôn biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Nhưng do một vài yêu tố, tác động nên con người có thể sinh ra lối sống vô cảm. Hãy luôn mở rộng tấm long mình, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.
“Nghị luận xã hội” bài soạn số 3
Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
a. Mở bài
– Tai nạn giao thông đang là một hiện tượng gây nhức nhối trong xã hội nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển.
– Nêu vấn đề: Tuổi trẻ học đường cần có suy nghĩ và hành động để giảm thiểu tai nạn giao thông.
b. Thân bài
– Khách quan: Cơ sở vật chất, hạ tầng còn yếu kém; phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh; do thiên tai gây nên…
– Chủ quan:
+ Ý thức tham gia giao thông ở một số bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là giới trẻ, trong đó không ít đối tượng là học sinh.
+ Xử lí chưa nghiêm minh, chưa thỏa đáng. Ngoài ra còn xảy ra hiện tượng tiêu cực trong xử lí.
* Hậu quả: gây tử vong, tàn phế, chấn thương sọ não…
+ Theo số liệu thống kê của WHO ( Tổ chức y tế thế giới): Trung bình mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2006, riêng Trung Quốc có tới 89.455 người chết vì các vụ tai nạn giao thông. Ở Việt Nam con số này là 12,300. Năm 2007, WHO đặt Việt Nam vào Quốc gia có tỉ lệ các vụ tử vong vì tai nạn giao thông cao nhất thế giới với 33 trường hợp tử vong mỗi ngày.
+ Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống:
-
Tai nạn giao thông ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý.
-
Tai nạn giao thông gây rối loạn an ninh trật tự.
-
Tai nạn giao thông gây thiệt hại khổng lồ về kinh tế.
-
Tai nạn giao thông làm tiêu tốn thời gian lao động, nhân lực lao động.
Do đó, giảm thiểu tai nạn giao thông là là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội.
* Thanh niên, học sinh cần có hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông
– Tuyên truyền cho mọi người biết tác hại và hậu quả nghiêm trọng của tai nạn giao thông.
– Tự giác nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
– Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật giao thông. Cùng giương cao khẩu hiệu “Nói không với phóng nhanh vượt ẩu“, “An toàn là bạn, tai nạn là thù“…
– Thành lập các đội thanh niên tình nguyện xuống đường làm nhiệm vụ.
– Phát hiện và báo cáo kịp thời với các cơ quan đoàn thể nơi gần nhất những trường hợp vi phạm an toàn giao thông.
c. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông và vai trò của tuổi trẻ học đường trong việc góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Đề 2
Video hướng dẫn giải
Đề 2 (trang 78 SGK Ngữ văn 12 tập 1)
Hiện nay ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn vể những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Anh, chị hãy bày tỏ thái độ của mình trước hiện tượng đó.
Lời giải chi tiết:
Gơi ý:
a. Mở bài.
Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm của toàn xã hội.
b. Thân bài
* Thực trạng trẻ em lang thang cơ nhỡ:
– Theo số liệu của Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em, năm 2003 cả nước có trên 21.000 trẻ em lang thang cơ nhỡ, đông nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh với 8.500 em. Năm 2008, mặc dù đã được các cá nhân, tổ chức thu nhận về những mái ấm tình thương để nuôi dạy nhưng hiện vẫn còn trên 10.000 trẻ em không nơi nương tựa. Con số này không ngừng gia tăng.
– Trẻ em đường phố đối diện với nguy cơ thất học cao và dễ rơi vào tệ nạn xã hội.
– Trẻ em đường phố có nguy cơ phạm tội ngày càng cao; nạn xin ăn tràn lan ảnh hưởng tới văn minh đô thị.
– Trẻ em đang bị bóc lột sức lao động và nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao.
* Nguyên nhân:
– Do đói nghèo: Trẻ đường phố thường xuất thân từ các gia đình nông dân nghèo hoặc gia đình mà bố mẹ không có việc làm, khó khăn về kinh tế và đông con.
– Do tổn thương tình cảm như: bị gia đình ruồng bỏ, từ chối hoặc đánh đập.
– Còn lại là do mồ côi hoặc các trường hợp bố mẹ li hôn.
* Về những mái ấm tình thương:
– Hiện nay, ở nước ta, những mái ấm tình thương đang xuất hiện ngày càng nhiều, nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
– Ý nghĩa: Chăm sóc và bảo vệ trẻ em lang thang cơ nhỡ là trách nhiệm không chỉ của cá nhân mà còn là của toàn xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là giúp cho các em hướng thiện, đưa các em đi đúng với quỹ đạo phát triển tích cực của xã hội. Đây là tình cảm tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách… biểu hiện của truyền thống nhân đạo ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam.
* Các tổ chức cá nhân tiêu biểu:
– Tổ chức: Làng trẻ em SOS; Làng trẻ em Hũa Bỡnh (Từ Dữ); Cô nhi viện Thánh An (Giáo phận Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định); Chùa Kì Quang II (Gò Vấp); Chùa Bồ Đề (Huế)…
– Cá nhân: Mẹ Phạm Ngọc Oanh (Hà Nội) với 800 đứa con tình thương: Anh Phạm Việt Tuấn với mái ấm KOTO (Hà Nội); Thầy Koyama với mái ấm tình thương 37, Nguyễn Trãi, Huế….
* Thái độ trước hiện tượng đó:
– Có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng trẻ em lang thang, cơ nhỡ, từ đó nâng cao tình cảm và trách nhiệm đối với hiện tượng ấy. Lên án và kịp thời phát hiện, tố cáo những kẻ bóc lột sức lao động và xâm hại trẻ em.
– Khuyến khích, biểu dương các tổ chức cá nhân tiêu biểu đồng thời lên án, ngăn chặn, xử lí kịp thời những kẻ núp bóng từ thiện để làm việc xấu.
– Nhân rộng: Dùng biện pháp tuyên truyền, kêu gọi các cá nhân, tổ chức, lập đội thanh niên tình nguyện.
c. Kết bài:
– Khẳng định giá trị, ý nghĩa của phong trào.
– Liên hệ bản thân.
“Nghị luận xã hội” bài soạn số 4
Dàn ý bài viết số 2 lớp 12 đề 3
I. Mở bài
Giới thiệu về tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích – một căn bệnh đang gây nguy hại cho xã hội đang ngày càng lan rộng.
II. Thân bài
1. Khái niệm
– Tiêu cực trong thi cử: là những hành vi gian lận trong thi cử (Thí sinh mang những tài liệu hoặc những thiết bị không được cho phép vào phòng thi…).
– Thành tích: là kết quả tốt đẹp đạt nhờ sự nỗ lực, thường được biểu dương hoặc khen thưởng, đem lại cho con người động lực cố gắng.
– Bệnh thành tích: làm việc mà không quan tâm đến thực tế, không suy nghĩ về hậu quả lâu dài chỉ chăm chút đến vẻ bề ngoài, đến việc đạt được những chỉ tiêu một cách khiên cường.
2. Bình luận và chứng minh
– Nguyên nhân của bệnh thành tích:
- Mong muốn đạt được kết quả mà không cần phải cố gắng học tập, làm việc.
- Tật xấu “con gà tức nhau tiếng gáy” nên tìm cách đốt cháy giai đoạn muộn để có thành tích ngay.
- Sự quản lý thiếu sát sao của các cấp lãnh đạo, hình thức trong quản lý chỉ quan tâm đến văn bản, báo cáo.
– Tác hại của bệnh thành tích:
- Gây ra sự đối lập giữa hình thức và thực tế, vấn đề bản chất không được quan tâm mà chủ yếu tập trung vào “bề nổi”.
- Là nguồn gốc của những sai trái, gian lận trong kiểm tra, đánh giá tiếp tay cho tham nhũng, quan liêu.
- Đặc biệt nguy hại đến sự phát triển lao dài cho nền giáo dục của một đất nước.
– Giải pháp:
- Cần chú ý đến hậu quả lâu dài, tránh “ăn xổi ở thì”.
- Các cấp lãnh đạo phải sát sao, thực tế hơn, điều chỉnh quản lý.
- Bản thân học sinh cần nói không với tiêu cực trong thi cử.
3. Liên hệ bản thân
– Nhà trường, giáo viên cần tránh xa bệnh thành tích.
– Học sinh cần trung thực trong thi cử.
III. Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của việc khắc phục tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Đó là công việc của toàn xã hội.
Mẫu 1
Trong thực tế, ai cũng thích, cũng mong muốn được khen ngợi, được ghi nhận, được thành danh. Có người vì thế mà nỗ lực phấn đấu để biến đổi về chất. Song đáng buồn lại có những người muốn rút ngắn con đường bước đến vinh quang mà tin xổi ở thì, không chăm lo cho thực tế chỉ cố tô vẽ bề ngoài để được khen được thưởng. Đáng buồn hơn, chúng ngày càng phổ biến và trở thành một căn bệnh xã hội: tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục.
Thực chất, thành tích là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được. Như vậy, thành tích là nhóm để biểu dương, nêu gương những kết quả thực tế tốt đẹp. Điều đó động viên cố gắng của người được nêu gương, thúc đẩy họ tiếp tục cố gắng. Mặt khác thành tích của người này còn là “cú hích” cho người khác cùng “chạy đua” để tiếp tục đi lên. Rõ ràng, thành tích là điều tốt đẹp và nó cũng mang lại những điều tương tự cho cuộc sống.
Tuy nhiên, khi đặt trước từ “thành tích” một chữ “bệnh” – bệnh thành tích thì vấn đề đã khác. Bởi từ “bệnh” không gợi đến điều gì tốt đẹp. “Bệnh thành tích” là thói a dua, là chỉ chăm lo đến vẻ bề ngoài nhằm được tuyên dương khen thưởng nhưng thực chất bên trong vấn đề không đạt mong muốn. Nói khác đi, bệnh thành tích là tên gọi của sự không phù hợp giữa hình thức và bản chất: hình thức rất hào nhoáng, sáng bóng, lẫy lừng nhưng bản chất thì xuống cấp, gỉ sét, cong vênh.
Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu trong đời sống xã hội, đục sâu lan rộng vào nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Trong giáo dục, bệnh thành tích còn được gọi là bệnh hình thức. Có những trường vì thành tích mà luôn cố gắng tập trung luyện “gà” – luyện học sinh giỏi, tạo mọi điều kiện để các em có thời gian tập trung học môn mình thi nhằm đạt kết quả cao mang vinh dự cho trường. Hay trong mỗi kỳ thi tốt nghiệp, có những trường huy động giáo viên cùng làm với học sinh rồi ném bài cho các em. Trong các cơ quan, công ty, nhà máy… bệnh thành tích nằm ở những bản báo cáo được mài cho nhẵn viết cho đẹp. Trong thực tế người ta không màng đến chất lượng, chỉ chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu. Họ chỉ sung sướng khi nghe đến những con số 100%, 99%… Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, trường nào chỉ đạt 95%, 96% là đã lo lắng căng thẳng rồi. Nhưng một hai năm trở lại đây khi công tác kiểm tra, giám sát được thắt chặt hơn, trung bình cả nước chỉ đỗ khoảng 60% – 70%.
Rõ ràng kết quả xa nhau, nó phản ánh thực tế chất lượng giáo dục trong một thời gian dài bị o bế, làm nhiễu. Bệnh thành tích sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại. Trước hết, nó khiến mỗi cá nhân tổ chức không hiểu rõ về thực lực của mình, tự mãn về thành tích, không có xu hướng vận động phát triển. Bệnh thành tích do đó tiếp tục “được” duy trì, phát triển. Dần dần nó sẽ ăn sâu, đeo bám vào tư tưởng, lối sống cách thức làm việc của xã hội, làm cho chất lượng thực bị bỏ bê, xuống dốc, chỉ có cái vẻ bề ngoài là hào nhoáng, đẹp đẽ. Nó thực chẳng khác nào một trái bí đỏ bị thối rữa bên trong. Dân gian ta nhắc nhở nhau tốt gỗ hơn tốt nước sơn vì sơn có thể tróc nhưng gỗ không được phép mục, gỗ mục sẽ làm sụp đổ cả một hệ thống quan trọng. Nhưng bệnh thành tích đã làm đảo lộn truyền thống đạo lý ấy và mỗi hệ thống xã hội đang có nguy cơ lung lay, suy sụp vì chất gỗ bên trong đang mối mọt dần.
Bệnh thành tích gây hại cho mọi ngành nghề, lĩnh vực. Và hậu quả dễ thấy nhất, tai hại nhất thể hiện ở ngành giáo dục. Có những trường lớp, vì thành tích mà cho học sinh lên lớp hàng loạt, bất chấp kết quả thực tế. Hậu quả là hàng trăm học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm trường. Có em đã học lớp 7 mà chưa đọc thông viết thạo! Cũng vì thành tích mà các thầy cô “cấy điểm” cho học sinh giỏi ở những môn các em không thi học sinh giỏi, giúp các em tập trung ôn luyện cho thi cử. Và hàng trăm học sinh sa vào tình cảnh đạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng trượt tốt nghiệp, trượt đại học… Hậu quả trực tiếp học sinh là người gánh chịu. Nhưng hậu quả lâu dài là tương lai đất nước phải chấp nhận sự thui chột về đạo đức, tài năng của nhiều thế hệ.
Bệnh thành tích có căn nguyên sâu xa từ một thói xấu của con người: thói ghen ăn tức ở, “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thấy cá nhân, đơn vị khác được nêu gương, cá nhân đơn vị mình cũng muốn được như vậy. Song, thay vì tập trung nâng cao chất lượng họ lại đốt cháy giai đoạn, đánh bóng hình thức để được tuyên dương. Nhưng công bằng mà đánh giá, bệnh cũng có nguyên nhân từ những sai lầm trong công tác quản lý tổ chức của nhiều cấp, ngành: trọng giấy tờ, hình thức, không gần gũi sâu sát thực tế và chỉ tiêu hoá, kế hoạch hóa cao độ mọi vấn đề thi đua. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chỉ cốt lo sao cho bản báo cáo, cuốn sổ của mình được sạch sẽ đẹp đẽ. Rồi lo sao để chỉ tiêu kế hoạch trên giao ta “trăm phần trăm” hoàn thành.
Rõ ràng, để xảy ra căn bệnh ấy lỗi thuộc về tất cả chúng ta. Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích, xã hội cần đẩy mạnh công cuộc loại trừ nó. Các nhà lãnh đạo cần kiểm tra, giám sát sát sao hơn hoạt động của các tổ chức cá nhân trực thuộc, đồng thời điều chỉnh hệ thống, cơ chế quản lý tổ chức. Các cơ quan đoàn thể vì tương lai bản thân xóa bỏ bệnh hình thức để đi vào chất lượng thực tế. Chỉ khi nào làm được điều đó, xã hội ta mới thực sự trong sạch và đi lên.
Như vậy, cuộc vận động: “Nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là vô cùng cần thiết đối với xã hội hôm nay. Mỗi công dân hãy ý thức được tác hại to lớn của “bệnh thành tích” trong giáo dục để tránh xa căn bệnh này.
– Mẫu 2
Trong cuộc sống này có ai không thích thành tích tốt, mình được khen ngợi, thế nhưng bản thân mỗi người cần nhận thức được thành tích thật sự là như thế nào. Ngày nay chỉ cần có được một thành thích tốt người ta bất chấp mọi thứ, chạy theo thành tích ảo, bằng những thứ không đúng sự thật. Có lẽ vì đó mà căn bệnh thành tích ngày càng lây lan và đang gây ra những tác hại không nhỏ với sự phát triển xã hội.
“Bệnh thành tích” được hiểu là con người luôn muốn mình có một thành tích tốt đẹp, bất kể có phải là thành tích thật hay không. Vì điều đó họ sẵn sàng làm mọi điều kể cả những gian lận, những việc trái với đạo lý. Nó ăn vào tâm trí họ như một căn bệnh.
Khi xã hội ngày càng phát triển thì thành tích là điều rất đáng để được công nhận. Thế nhưng cũng thật đáng buồn khi xã hội ngày càng phát triển, những nỗ lực, cố gắng để đạt một thành tích tốt đẹp của con người lại trở thành một căn bệnh đang là mối đe dọa trong xã hội.
Một biểu hiện dễ thấy nhất đó là bệnh thành tích trong giáo dục. Các thầy cô muốn thành tích cao cho trường, cha mẹ muốn thành tích tốt cho con mình. Khi còn đương nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Nguyễn Thiện Nhân đã từng nói: “Các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao và hàng chục triệu phụ huynh, gia đình học sinh chính là đồng tác giả của bệnh thành tích”.
Phụ huynh muốn con em mình điểm cao mà sẵn sàng đưa tiền bồi dưỡng các thầy cô. Thầy cô vì muốn học trò được điểm cao lấy thành tích cho trường mà mua chuộc giám thị. Chúng ta biết rằng kết quả thi cử của học sinh sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên và nhà trường. Từ đó nếu có một kết quả thi tốt của học sinh, thầy cô sẽ được khen thưởng, nâng lương… Và những phụ huynh học sinh cũng có được một bảng điểm đẹp cho con em mình. Ai cũng được lợi. Bên cạnh những phụ huynh thực sự muốn con em mình đi lên bằng chính sức lực của chúng không ít những phụ huynh vẫn đang tìm mọi cách giúp con có một bảng điểm đẹp, với hy vọng con có một tương lai tươi sáng sau này. Điều đó từ sâu xa đều xuất phát từ lòng thương con của cha mẹ. Ai mà không muốn con mình có một tương lai tốt đẹp hơn. Cứ tới mỗi kỳ thi, chúng ta lại bắt gặp những cuộc trò chuyện như “Đã lo chỗ nào chưa?”, “Đã đi thầy/cô này chưa?”… Chính tình thương quá đáng của bậc cha mẹ đã vô tình trở thành công cụ cho bệnh thành tích ngày càng lây lan rộng hơn.
Chúng ta hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đọc được những bản tin như học sinh ngồi nhầm lớp, học sinh lớp 6 vẫn chưa thuộc hết bảng cửu chương, chưa đọc thông viết thạo vậy mà các em vẫn được lên lớp đều đều. Chúng ta hẳn thấy thật chua xót khi sau mỗi năm thi đại học, cao đẳng lại xuất hiện những bài thi được chép kín những mặt giấy nhưng hoàn toàn không đúng nội dung đề bài. Sau mỗi ngày thi, sân trường phủ kín bằng phao trắng xóa. Hình ảnh thật xót xa.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở thành một căn bệnh khó chữa. Nó không chỉ là căn bệnh của ngành giáo dục mà nó còn xuất hiện trong các lĩnh vực khác của xã hội nữa. Bệnh thành tích không còn giới hạn ở một con người cụ thể, một lĩnh vực riêng lẻ nào. Nhớ trước đây số xã nghèo ở nước ta chỉ khoảng 1700. Sau khi có các chương trình của Chính phủ, hỗ trợ tiền để xóa nghèo thì rất nhiều địa phương đã đăng ký thoát nghèo. Để rồi khi báo chí vào cuộc phanh phui thì vẫn có hàng trăm hộ trong tình trạng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà đã được thoát nghèo. Âu cũng là bệnh thành tích mà ra.
Cấp trên thích nghe thành tích tất nhiên sẽ có cấp dưới tạo ra những thành tích ảo. Từ nhỏ thành lớn, từ ít đến nhiều, căn bệnh thành tích từ đó ngày càng lây lan rộng. Những câu chuyện về những công trình, dự án trên giấy, vấn đề giải quyết việc làm, câu chuyện xóa đói giảm nghèo… với những báo cáo xa rời thực tế là vấn đề muôn thuở.
Bệnh thành tích gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội. Nó sẽ làm mất đi sự trung thực, niềm tin và sự phát triển của xã hội. Chúng ta đều biết rằng một xã hội muốn phát triển thì cần có nhân tài, mà nhân thì phải tài thực sự, có năng lực thực sự. Trong cuộc sống hiện đại nếu bạn không có năng lực thực sự thì sẽ không thể có một chỗ đứng. Căn bệnh thành tích khiến cho người ta chỉ xem trọng lượng mà không có chất. Một tập thể mắc bệnh thành tích sẽ cho ra những sản phẩm không có giá trị. Bệnh thành tích khiến người ta dễ ảo tưởng, lọc lừa dối trá. Dần dần họ sẽ thoái hóa nhân cách, đánh mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của bản thân.
Người xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đã cho thấy rõ một điều rằng con người ta quan trọng chất lượng chứ không thể lấy cái bề ngoài, cái số lượng để đánh giá giá trị của một vấn đề. Căn bệnh thành tích ngày nay đã đảo lộn mọi giá trị tốt đẹp ấy, đã phá vỡ đi những truyền thống văn hóa của dân tộc. Căn bệnh ấy sẽ khiến những cá nhân tự mãn về bản thân, cho mình luôn giỏi giang nhưng thực chất là không phải. Và ảo tưởng thì thường sẽ không có thật, không thể tồn tại lâu dài.
Do đó chúng ta cần có những biện pháp để ngăn chặn, đẩy lùi căn bệnh này. Các bộ, ngành và cơ quan chức năng cần có những cuộc thanh tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn những thành tích ảo. Nếu cố ý vi phạm thì cần có biện pháp xử lý đích đáng. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường những biện pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của mỗi người cần tránh xa và đẩy lùi căn bệnh này. Thiết nghĩ rằng dù nó là căn bệnh có tính lây lan nhưng có để mình bị lây hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Chúng ta cần phải là những người có lòng tự trọng, có nhân cách và đó mới là điều cần lan tỏa trong xã hội này.
Đất nước chúng ta đang trên đường hội nhập và phát triển, mỗi người cần tự khẳng định được giá trị của bản thân mình để giành lấy một chỗ đứng nhất định. Nhưng không thể vì điều đó mà bất chấp để có thành tích. Chúng ta cần đi lên bằng chính khả năng của bản thân mình. Chắc chắn đó không phải là một điều quá khó khăn nếu như chúng ta luôn có tự trọng và giữ đúng nhân cách của mình.
Mẫu 3
Thành tích là kết quả có thể đánh giá được của nỗ lực con người. Kết quả không chỉ là một lợi ích vật chất hay tinh thần cá nhân, tuy rằng phần lớn yếu tố tạo nên động lực khiến con người phải nỗ lực nhiều hơn, tốt hơn để thành tích chính là lợi ích cho mình. Nhưng con người vẫn có thể làm hết mình vì lợi ích chung, lợi ích của xã hội, của đất nước.
Theo định nghĩa đó, nỗ lực đạt thành tích của một cá nhân hay một tập thể là một phẩm chất đạo đức tốt, đáng biểu dương và nhân rộng. Hãy tưởng tượng một xã hội mà trong đó mọi thành viên đều nỗ lực để đạt những thành tích cao hơn trên các lĩnh vực hoạt động: thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sản xuất, thương mại, công nghệ… sẽ đem lại lợi ích cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Xã hội đó chắc chắn tiến bộ, nền kinh tế nước đó chắc chắn phát triển, nhân dân nước đó chắc chắn giàu có, quốc gia đó chắc chắn cường thịnh.
Nhưng đến khi nào thì những nỗ lực đạt thành tích, một phẩm chất tốt cần thiết của mỗi thành viên trong xã hội, lại trở thành một bệnh, mà ngày chúng ta gọi tên nó là bệnh thành tích? Suy cho cùng, nếu diễn dịch bằng thuật ngữ thông thường, sự khác nhau căn bản giữa thành tích và bệnh thành tích chỉ là sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái. Và yếu tố then chốt làm nên sự khác biệt đó chính là sự có mặt hay không của lòng trung thực.
Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta. Không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Tiêu cực trong thi cử cũng gắn liền với bệnh thành tích trong giáo dục. Hành vi này xuất phát từ chính lòng ham muốn đạt được thành tích mà không phải cố gắng học tập, làm việc.
Tuy nhiên, muốn khắc phục căn bệnh nguy hiểm này, có nhiều vấn đề được phân tích thêm và làm sáng tỏ. Tại sao các trường và các thầy cô ham muốn kết quả thi cao? Phải chăng vì kết quả cao đó – dù là kết quả không phản ánh đúng thực chất – là tiêu chí được Sở hay Bộ sử dụng để đánh giá thành tích điều hành và giảng dạy của Ban giám hiệu, các thầy cô? Phải chăng với thành tích được đánh giá cao theo cách đó, chắc chắn ban giám hiệu và thầy cô sẽ có lợi là nâng lương, khen thưởng và tiếp tục “sự nghiệp” nhân lên căn bệnh thành tích? Và nếu tất cả các trường trên cả nước đều có những kết quả xuất sắc tương tự, phải chăng Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ được đánh giá là có thành tích tốt trong công tác điều hành giáo dục trên cả nước?
Tại sao các phụ huynh muốn con em có điểm cao hơn thực chất. Ở đây cũng cần có hai cách nhìn: thực chất và tác dụng. Xét về thực chất, không có phụ huynh học sinh nào muốn con em mình là học “giả”. Họ là những người đã bỏ ra tiền thật, công sức thật, thời gian thật và hy vọng thật về một tương lai tốt đẹp thật của con em mình. Không có lý do gì họ lại mong muốn nhận được một môn hàng giả. Tuy nhiên, đứng trên điểm thực dụng, họ sẵn sàng làm mọi cách, kể cả những cách tệ hại nhất chúng ta đã được biết để con em họ qua được các kỳ thi, có một tấm bằng. Như vậy, suy cho cùng, phụ huynh học sinh và học sinh chính là nạn nhân của bệnh thành tích hơn là “đồng tác giả”. Khi sự lây nhiễm của bệnh thành tích đã thành phổ biến, làm gì có ai được miễn dịch? Cuối cùng, không có ai khác là xã hội phải gánh chịu rủi ro. Một sự lãng phí nghiêm trọng về thời gian và tiền bạc, hậu quả của bệnh thành tích. Khi nguồn nhân lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế bị méo mó nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp đành phải chấp nhận “hàng giả” lẫn lộn với “hàng thật” và phải thêm ngân sách để đào tạo và đào tạo lại sau khi tuyển dụng, bệnh thành tích là hậu quả của chủ nghĩa hình thức và chính nó là mẹ đẻ của bệnh sao chép, học thuộc lòng. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của người. Hơn nữa, hàng rào thì có quá nhiều và tập trung càng làm nặng thêm tinh thần học tủ, học rập khuôn, sao chép của học sinh.
Chúng ta đều nhận thức rõ ràng, một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là xuất phát điểm, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và thành thục sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.
Đất nước chúng ta đang tiến bước trên con đường đổi mới, mở cửa, hội nhập và tranh đua với thế giới để giành lấy một vị trí xứng đáng trên hành tinh. Đất nước này có cường thịnh hay không tùy thuộc vào việc nền giáo dục của chúng ta có đổi mới để có thể sản sinh ra những nhân tài thực học hay không. Trên tiến trình đổi mới giáo dục bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng.
“Nghị luận xã hội” bài soạn số 5
1. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảmthiểu tai nạn giao thông.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
– Tai nạn giao thông là vấn đề quốc nạn, mỗi ngày cướp đi hàng chục sinh mệnh, làm bị thương hàng chục người, phá hỏng nhiều tài sản cá nhân và xã hội.
– Vấn đề cần đặt ra là tuổi trẻ học đường cần phải hành động như thế nào để hạn chế những tai nạn thảm khốc đó?
2. Thân bài:
a) Tai nạn giao thông là vấn đề cấp thiết và nhức nhối nhất vào thời điểm thực tại ở nước ta, mỗi năm cướp đi sinh mạng của nhiều nghìn người.
– Bình quân mỗi ngày chúng ta có khoảng 40 người chết và bị thương do tai nạn giao thông.
– Nhiều người phải mang di chứng tàn tật suốt đời. Đây là vấn đề nhức nhối cho mỗi một cá nhân bị tai nạn và là gánh nặng cho cả gia đình lẫn xã hội. Những người này không chỉ không còn khả năng lao động mà còn kéo theo những dịch vụ chăm sóc y tế, sức khoẻ và dinh dưỡng từ cộng đồng.
– Nguy hại hơn, đại đa số người bị tai nạn là ở độ tuổi lao động. Độ tuổi có nhiều đóng góp cho gia đình, xã hội. Một khối lượng tài sản lớn không được làm ra mà phải bị tiêu tốn nhiều của cải vật chất cho họ.
– Giảm thiểu tai nạn giao thông có ý nghĩa bức thiết, lớn lao đối với toàn xã hội. Không ngăn chặn được vấn đề tai nạn giao thông thì không những về phương diện tinh thần mà cả về phương diện vật chất cũng chịu tác động nghiêm trọng. Nó sẽ là bước cản lớn trong sự nghiệp phát triển đất nước.
b) Là những chủ nhân tương lai của đất nước, tuổi trẻ học đường cần suy nghĩ và hành động thiết thực để giảm thiểu tai nạn giao thông.
-Trước hết cần tìm hiểu và học tập về luật an toàn giao thông. Phải có bằng lái xe trước khi tham gia giao thông.
– Chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông khi tham gia giao thông. Ví dụ: đi xe đúng làn đường qui định, không dừng đỗ trái phép, không phóng nhanh vượt ẩu, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy…
– Giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông cho mọi người. Có thái độ phê phán với những người có biểu hiện coi thường và không chấp hành luật an toàn giao thông.
3. Kết luận:
– Tai nạn giao thông rất đáng sợ nhưng chúng ta có thể hạn chế được nó.
– Chỉ bằng cách duy nhất là tìm hiểu và thực hiện đúng luật an toàn giao thông.
– Tuổi trẻ học đường cần nghiêm chỉnh thực hiện, bên cạnh đó nhắc nhở mọi người cùng thực hiện.
2. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thunhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
– Tình trạng trẻ em lang thang, không gia đình là vấn đề bức xúc của xã hội. Vì những cảnh ngộ khác nhau, các em phải tự vào đời kiếm sống. Trong khi đó, những cám dỗ xấu, nhiều kẻ xấu luôn lợi dụng các em để làm những việc bất chính.
– Giải pháp thu nhận và giáo dưỡng những trẻ em này là việc làm thiết thực của bất kì một quốc gia tiên tiến và nhân đạo nào.
2. Thân bài:
– Trẻ em lang thang cơ nhỡ là những mảnh đời khốn khó, tội nghiệp. Bản thân các em đâu có muốn một cuộc sống như thế, nhưng các em không có sự lựa chọn và cha mẹ các em cũng đâu có muốn để con mình rơi và cảnh ngộ đó.
– Các em có thể làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống như đi bán báo, bán vé số, đánh xi giày… Trong những tình cảnh khốn cùng nhất, các em phải ăn xin, thậm chí là trộm cắp để có miếng ăn. Để có chỗ ngủ, các em phải tìm đến với đủ loại xó xỉnh để tìm được nơi giữ được chút hơi ấm qua đêm dài giá rét. Cạnh tranh để sinh tồn là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các em.
– Sự thiếu thốn, đói khổ sẽ khiến nhân cách các em lệch lạc, khi trưởng thành, các em dễ trở thành tội phạm, người xấu, người ác..
– Mối quan tâm của xã hội và những nhà hảo tâm đối với các em là vô cùng cần thiết. Ở đây không chỉ là vấn đề từ thiện, là vấn đề nhân đạo tức thời mà là hành động có ý nghĩa vĩnh viễn, một chiến lược nhân đạo về con người. Khiến một người trở thành một công nhân tốt là khiến cho xã hội ấy tốt đẹp hơn mấy phần.
– Sự quan tâm đến số phận cá nhân là sản phẩm của một xã hội văn minh, nhân đạo. Trong những ngôi nhà tình thương ấy, trẻ em lang thang có đủ lượng thực để ăn, có đủ áo ấm để mặc, có đủ sách vở để học hành, có đủ tình thương, tình đồng loại để sống như một con người đứng nghĩa, được yêu thương và yêu thương mọi người.
3. Kết bài:
– Yêu thương và hành động vì những mảnh đời cơ nhỡ là việc làm thiết thực và cần thiết.
– Trẻ em lang thang, đói rách không có tội mà tội lối lớn nhất là ngoảnh mặt lại, không cho chúng một cơ hội để làm người.
Việt Bắc là bài học nổi bật trong Tuần 8 của chương trình học theo SGK Ngữ Văn 12, học sinh cần Soạn bài Việt Bắc, đọc trước nội dung, trả lời câu hỏi trong SGK.
3. Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nóikhông với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tíchtrong giáo dục”.
Gợi ý làm bài
1. Mở bài:
– Giáo dục luôn được mọi xã hội quan tâm. Giáo dục là kết tinh cao nhất tất cả các giá trị văn minh của một thời đại, một xã hội. Không có giáo dục sẽ không có tiến bộ xã hội. Giáo dục góp phần rút ngắn quá trình thu thập, lĩnh hội kiến thức để có đủ nhận thức kĩ năng cần thiết để con người tự tin bước vào đời.
– Ở nước ta giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Hằng năm nhà nước đầu tư hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng trường lớp, trả lương cho giáo viên, đổi mới và cải cách chương trình giáo dục và sách giáo khoa… Tuy nhiên, dẫu đã nỗ lực hết sức, nhưng giáo dục của ta còn một số vướng mắc nhất định.
– Cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” là một cố gắng để chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
2. Thân bài:
– Nói không với những tiêu cực trong thi cử, gồm chống lại và xoá bỏ các biểu hiện sau:
+ Gian lận, quay cóp
+ Học tủ, học lệch
+ Thi hộ, thi kèm
+ Xin nâng điểm, chạy điểm
– Nói không với bệnh thành tích bao gồm các mặt sau:
+ Không chạy đua theo thành tích, không đặt ra vấn đề thành tích làm mục tiêu phấn đấu. Ví dụ: hạ tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp gần như 100% trên phạm vi cả nước.
+ Các Trường, các Sở Giáo dục không đặt vấn đề quá coi trọng, thanh tích như trước.
+ Giáo viên không nâng điểm cho học sinh để thực chất giáo dục và điểm không có sự chênh lệch.
– Bản chất của cuộc vận động này là chống căn bệnh hình thức chủ nghĩa, xoá bỏ những con số giả dối, không phản ánh đúng thực chất chất lượng của nền giáo dục nước nhà.
– Cuộc vận động là một cố gắng để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, giáo dục, đào tạo, để bồi dưỡng được nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên, có đủ đức tài để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của nén kinh tế tri thức.
– Là học sinh, chúng ta cần làm gì để hưởng ứng cuộc vận động?
+ Nhận thức rõ: đây là một phong trào có ý nghĩa thiết thực, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà.
+ Bản thân thực hiện nghiêm chỉnh, không quay cóp, gian lận trong kiểm tra và thi.
+ Không học tủ, học lệch, không học vẹt, học đối phó vì điểm…
+ Học tập, rèn luyện nghiêm túc, hiểu bài và có thể vận dụng linh hoạt kiến thức trong cuộc sống.
+ Động viên và giúp đỡ các bạn khác cùng thực hiện.
3. Kết bài:
– Cuộc vận động có ý nghĩa thiết thực và vô cùng to lớn trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Tiêu cực trong thi cử và chạy theo thành tích trong giáo dục là những căn bệnh dai dẳng và rất nguy hiểm.
– Mọi người cần phải có thái độ quyết liệt để căn bệnh này sớm bị xoá sổ, đưa giáo dục nước nhà vào nền giáo dục tiên tiến của thời đại
Nguồn: Tổng hợp