Blog chia sẻ nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử Ngày Quốc tế Phòng chống khai thác môi trường trong Chiến tranh và xung đột-6/11,cùng tham khảo nhé.
Xem thêm: 99+ ảnh kèm lời chúc ngày quốc tế nam giới cho mọi người
(ĐCSVN) – Ngày 5/11/2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang.
Trong suốt những năm vừa qua, một thực tế dễ dàng nhận thấy là các thiệt hại về người (dân thường và binh sĩ tử vong hay bị thương) và các thiệt hại vật chất (thành phố hay các sinh kế bị phá hủy) bắt nguồn từ các cuộc xung đột vũ trang luôn luôn được xem xét và chứng thực. Tuy nhiên, môi trường lại thường xuyên là một nạn nhân thầm lặng.
Để đạt mục đích duy nhất là có được một lợi thế quân sự, người ta có thể sẵn sàng làm ô nhiễm nguồn nước, đốt cháy các loại cây trồng, tàn phá rừng, hay khiến đất đai bị nhiễm độc và động vật bị giết hại.
Các cuộc xung đột bắt nguồn và được thúc đẩy từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, những vấn đề liên quan đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên thường chiếm tỷ lệ lớn.
Theo Liên hợp quốc, kể từ năm 1990, ít nhất 17 cuộc xung đột bạo lực có liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) từng lưu ý rằng, trong vòng 60 năm vừa qua, ít nhất 40% tất cả các cuộc xung đột nội bộ có liên quan đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hoặc các nguồn tài nguyên có giá trị như: gỗ, kim cương, vàng và dầu mỏ; hoặc khan hiếm các nguồn tài nguyên như đất đai màu mỡ và nước.
UNEP cũng đã nhấn mạnh, các cuộc xung đột liên quan đến tài nguyên thiên nhiên thường có nguy cơ xảy ra cao gấp hai lần so với các cuộc xung đột bắt nguồn từ những nguyên nhân khác.
Chính vì vậy, theo Liên hợp quốc, điều đặc biệt quan trọng là bảo vệ môi trường cần được xem là một phần của các chiến lược ngăn ngừa xung đột và gìn giữ, củng cố hòa bình, vì không thể có hòa bình bền vững nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái mà con người phụ thuộc bị phá hủy.
Trong thông điệp được đưa ra nhân Ngày quốc tế phòng chống khai thác môi trường trong chiến tranh và xung đột vũ trang (6/11/2013), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết: “Chúng ta ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của môi trường đối với phát triển bền vững. Tuy vậy, các nguồn lực tự nhiên như rừng, động vật hoang dã, nước và đất đai màu mỡ tiếp tục bị khai thác và tàn phá trong các cuộc xung đột vũ trang, làm nguy hại đến hòa bình và an ninh trong dài hạn”. “Tại Trung và Đông Phi, việc buôn bán khoáng sản, gỗ, than đá, động vật hoang dã và các loại ma túy được thực hiện nhằm tài trợ cho những hoạt động bất hợp pháp của các nhóm vũ trang và các mạng lưới tội phạm. Ví dụ, lưu lượng than ở Somalia cho phép các đội quân nổi dậy và các nhóm khủng bố thu về khoản doanh thu hàng năm là 384 triệu USD”, ông Ban Ki-moon nêu rõ.
Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, nếu chúng ta tăng cường quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiến hành giám sát chặt chẽ hơn tại các quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột, chúng ta có thể ngăn chặn các nguồn lực này nuôi dưỡng các cuộc xung đột, phân bổ doanh thu cần thiết để khôi phục nền kinh tế và tạo ra một nền hòa bình bền vững. Mặt khác, thất bại trong việc bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bình đẳng sẽ chỉ làm tăng tính dễ bị tổn thương của những người đang phụ thuộc nhiều vào các nguồn tài nguyên, đặc biệt là người nghèo.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: Tiêu hủy các loại vũ khí chiến tranh trong những điều kiện an ninh tốt cũng hết sức quan trọng. Đây là một trong những khó khăn mà Tổ chức Liên hợp quốc và Tổ chức Cấm Vũ khí hoá học phải đối mặt tại thời điểm này như là ở Syria, nơi mà sự tàn phá của vũ khí hóa học và các trung tâm sản xuất phải kèm theo các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt để ngăn ngừa ô nhiễm hóa chất và sự xuất hiện của các “điểm nóng” môi trường mới và tránh rủi ro về sức khỏe. Môi trường cũng có thể bị ô nhiễm bởi bom mìn và vật liệu chưa nổ, những tác nhân là mối đe dọa đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em, những người thường dễ bị tổn thương hơn bởi vì các hoạt động hàng ngày của họ.
Vào ngày kỷ niệm quốc tế này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu ý việc làm thế nào để bảo vệ môi trường trong thời gian xung đột vũ trang và khôi phục lại việc quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình tái thiết sau xung đột. Thêm vào đó, ông Ban Ki-moon cũng đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên đối với các sinh kế và đời sống của tất cả thành viên trong toàn xã hội, đặc biệt là phụ nữ và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình ngăn ngừa xung đột và xây dựng hòa bình.