Hướng dẫn phân tích tác phẩm “Đọc thêm: Cha con nghĩa nặng (trích)” mới nhất

Top 5 bài hướng dẫn phân tích tác phẩm “Đọc thêm: Cha con nghĩa nặng (trích)” mới nhất , ngắn gọn, súc tích, nội dung bám sát sgk .”Cha con nghĩa nặng” là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Tác phẩm viết về cảnh ngộ bất hạnh của gia đình một người nông dân tên là Trần Văn Sửu. Do vô tình phạm tội giết vợ, Trần Văn Sửu đã phải bỏ trốn, để lại hai đứa con thơ cho ông ngoại nuôi. Sống vất vả cực nhọc nơi đất khách quê người, Trần Văn Sửu không nguôi nhớ về các con. Và anh trở về vào đúng lúc các con đang chuẩn bị xây dựng gia đình. Đoạn trích kể về cuộc trở về này. Đoạn trích thể hiện những nét tiêu biểu về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Bài văn mẫu số 1

Văn học Việt Nam có rất nhiều những tác phẩm ca ngợi tình cảm gia đình, tình mẫu tử và tình cha con, tất cả đều thể hiện và ca ngợi truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Riêng đoạn trích “Cha con nghĩa nặng” trích trong tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh lại mang một nét rất đặc biệt, vẻ đẹp của tình cảm cha con được tô thắm trên nền của bản sắc văn hóa mang đậm dấu ấn đặc trưng của cuộc sống và tính cách con người Nam Bộ.

Xây dựng nhân vật Trần Văn Sửu, tác giả đã gửi gắm vào đó là hình ảnh đại diện cho những người con Nam Bộ, những người nông dân hiền lành, chân chất và thật thà chăm chỉ, sống tình nghĩa và yêu thương vợ con hết lòng. Tuy nhiên, Sửu lại rơi vào hoàn cảnh bi kịch gia đình, lấy phải cô vợ xấu nết, trong lần bắt quả tang vợ ngoại tình, vợ anh không những không biết ăn năn hối lỗi mà còn hỗn láo ngang ngược giữ chồng cho tình nhân chạy thoát. Trong cơn giận anh xô vợ ra, không may vợ ngã đúng cái phản chết ngay mang trong mình tội giết vợ, Sửu phải bỏ trốn để không bị bỏ tù và để gìn giữ cuộc sống yên ổn cho các con. Mười mấy năm đi biệt xứ, Trần Văn Sửu đã phải chịu bao khổ cực, đắng cay nơi đất khách quê người, cùng với đó là lòng nhớ thương các con da diết khôn nguôi. Cuối cùng anh phải lén về thăm con, gặp lại cha vợ, Sửu biết được tình hình các con đều yên ổn cả anh đã có phần yên tâm. Cha vợ anh là hương thị Tào thực sự là một người cha giàu lòng vị tha, dù biết con rể lỡ tay giết con gái mình nhưng ông hiểu và cảm thông tha thứ, ông cũng bày tỏ rõ quan điểm rằng sự trở về của Sửu lúc này chỉ gây ra bất lợi cho cuộc sống của các con. Sửu nghĩ đến sự ổn định lâu dài và hạnh phúc nên anh quyết tâm dứt áo ra đi dù chưa được nhìn mặt con một lần. Anh bỏ chạy như trốn tránh cũng như để lòng mình không còn vương vấn làm khổ các con, ngồi trên cầu Mê Tức, anh đã suy nghĩ đến cái chết, sống làm gì khi chẳng được về làng, chẳng được người làng chấp nhận và chẳng được gặp con cái “Bây giờ mình còn sống nữa làm gì… chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”. Khi Sửu định nhảy cầu tự tử thì may sao thằng Tí đã đến kịp lúc, nó nhận ra cha trong niềm hạnh phúc vỡ òa “Thằng Tí chạy riết lại nắm tay cha nó, dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng mà nói: “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy”.

Suốt mười mấy năm cha con không gặp lại nhau, niềm hạnh phúc và sự xúc động khiến cho người cha không nói nên lời, chỉ biết ôm con mà khóc. Gặp được con là điều Sửu không nghĩ đến, cha con quyến luyến bịn rịn nhưng anh vẫn quyết định đến lúc phải đi, nghĩ đến tương lai của con anh giục con trở về “Con đừng có cãi cha. Con phải về đặng lo cưới vợ”, thương con, mong nhớ con nhưng Sửu đã gạt qua những nỗi khổ tâm của mình để nghĩ cho hạnh phúc của con. Khi thằng Tí nhắc đến chuyện của mẹ nó, anh Sửu đã trần tình nói cho con hiểu rằng anh không còn trách mẹ nó nữa, răn dạy con vẫn phải tôn trọng mẹ bởi “Má con có quấy là quấy với cha, chứ không quấy với con”, anh cũng tự nhận bi kịch đó là do số mạng của mình, không thể trách hay oán giận ai. Dù rất muốn trở về đoàn tụ với các con nhưng Sửu biết về rồi làng tổng họ lại bắt nên anh đã nói với con rằng “Cha đi cho biệt tích, đặng con lấy vợ và con Quyên cưới chồng mới tử tế được”. Quả thực nỗi lòng và tình thương con của Trần Văn Sửu rất tha thiết, về phần mình anh không màng khó khăn khổ sở, đi bỏ xứ bất cứ đâu chịu bất cứ hoàn cảnh gì cũng được miễn các con được yên ổn, sống tử tế. Thằng Tí khi gặp được cha sau bao năm xa cách và tưởng rằng cha đã mất, không có cách nào giúp cha trở về đoàn tụ thì nó nhất nhất muốn đi theo chăm lo cho cha, không muốn cha phải chịu cảnh một thân một mình “Đi theo đặng làm mà nuôi cha; chừng nào cha chết rồi con sẽ về”, nó chẳng còn nghĩ đến hạnh phúc của mình, không còn quan tâm đến chuyện vợ con hay gia đình mà chỉ nghĩ sao có thể lo cho cha. Lòng hiếu nghĩa của thằng Tí không chỉ khiến anh Sửu xúc động mà cả người đọc cũng cảm thấy ấm lòng, nó không chỉ thương cha, hiểu nỗi lòng của cha mà còn sẵn sàng bỏ qua tất cả mọi thứ để vì cha.

Có thể nói, đoạn trích “Cha con nghĩa nặng” của Hồ Biểu Chánh đã diễn đạt thành công tình phụ tử sâu nặng, thiêng liêng, đạo lý làm người đã chiến thắng pháp lý xã hội, tình nghĩa cha con đã chiến thắng những mâu thuẫn giữa tình cha thương con, tình con thương cha và hạnh phúc của con.

 

Bài văn mẫu số 2

Hồ Biểu Chánh là một trong những tác giả đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Ông là một tác giả quen thuộc đối với người dân Nam Bộ. Những tiểu thuyết của ông phản ánh chân thực cuộc sống của con người Nam Bộ cũng như những truyền thống đạo đức tốt đẹp của con người giữa cuộc đời. “Cha con nghĩa nặng” là một tiểu thuyết tiêu biểu của ông thể hiện tình cảm cha con sâu nặng giữa người cha tên Sửu và người con Tí.

Để làm nổi bật chủ đề về tình nghĩa cha con sâu nặng, tác giả đã tạo nên tình huống truyện với những mâu thuẫn cao trào, giàu kịch tính. Đọc đoạn trích người đọc có thể cảm nhận được số phận éo le của nhân vật Sửu. Đó là một người nông dân thuần phác, yêu vợ, thương con, chăm chỉ hiền lành. Nhưng vì một phút nóng giận, ông vô tình giết vợ, vì thế phải sống chui lủi, đi biệt xứ. Ông chịu nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, lúc nào cũng sống trong tình cảnh dằn vặt lương tâm. Sống nơi biệt xứ, làm đủ nghề thuê mướn, thay tên đổi họ, nỗi khổ tâm luôn đầy ắp trong lòng Trần Văn Sửu, ông nhớ khôn nguôi và da diết những đứa con của mình.

Ông đã trở về với mong muốn là được gặp các con của mình nhưng điều đó sẽ làm liên lụy tới các con của ông. Hai người con Quyên và Tí đều đều chuẩn bị lấy vợ, lấy chồng. Sự xuất hiện của ông chắc chắn sẽ khiến hạnh phúc của các con bị ảnh hưởng. Vì thế ông quyết tâm ra đi dù chưa gặp được các con và có ý định nhảy sông tự tử. Các nhân vật đứng trước trở ngại rất lớn. Nếu cha trở về thì sẽ bị làng tổng bắt, các con sẽ bị vạ lây. Nếu con theo cha thì sẽ phải chịu nhiều khổ cực và không chăm sóc được cho ông ngoại. Hai cha con bàn ngược tính xuôi mãi cuối cùng cũng đưa ra được quyết định. Đẩy nhân vật vào tình huống éo le, khó xử tác giả đã khắc họa được tình cảm cha con sâu sắc, tăng tính thuyết phục cho câu chuyện.

Cha con nghĩa nặng

Trước hết, qua đoạn trích chúng ta có thể thấy được tình cảm sâu sắc của người cha Trần Văn Sửu dành cho con của mình. Sau bao năm tháng biệt xứ với nỗi nhớ con khôn nguôi người cha tìm về quê hương với mong muốn được gặp lại những đứa con của mình để giãi bày với chúng. Gặp lại bố vợ, Sửu chấp nhận tất cả những lời mắng nhiếc, sỉ nhục để đạt được mục đích của mình. Ông nói với cha vợ những lời đau đáu từ trái tim, chứa chan những giọt nước mắt của sự khổ đau, làm hiện lên tấm lòng thương con vô hạn của người cha. Nỗi nhớ thương con đến cháy lòng làm cho ông trở nên kiên quyết: “xăm xăm bước đi về cửa”, “lột nón xuống mà cầm trên tay”.

Cũng chính vì thương con mà ông trở nên mềm yếu “cúi mặt ngó xuống đất, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng…” rồi khóc rấm rứt. Qua lời than của Sửu chúng ta có thể thấy được cuộc đời đầy éo le khổ cực của người cha và tấm lòng thương nhớ con da diết. Dòng cảm xúc trào dâng khiến ông không kiềm chế được đã thốt lên thành lời: “Con thương sắp nhỏ quá”, “Con thương nhớ chúng nó quá tía ơi”, “Con nhớ sắp nhỏ quá”. Và chính tấm lòng yêu thương con vô bờ của Sửu đã làm lay động những tình cảm tốt đẹp trong Hương Thị Tào. Từ chỗ mắng nhiếc lúc ban đầu, Hương Thị Tào lại nghẹn ngào xúc động cùng Sửu. Sau khi nghe cha vợ nói các con vẫn rất thương mình, Sửu muốn gặp chúng dù phải ẩn mình dưới hình dạng thổ dân. Chi tiết này cho thấy hình ảnh một người cha đầy bất hạnh. Ông trở về nhà với nỗi khao khát gặp con bao nhiêu thì lại sẵn sàng lặng lẽ ra đi bấy nhiêu khi mà hay tin các con hiểu được lòng mình và chúng chuẩn bị có được hạnh phúc bên cạnh những người thương yêu.

Sự trở về của ông chắc chắn sẽ làm liên lụy tới chúng. Vì vậy ông sẵn sàng từ bỏ khao khát gặp lại con, quyết tâm dứt áo ra đi để “miễn là con được giàu có, sung sướng thì thôi”. Ông ra đi và mang theo ý định về cái chết, chết để “quên hết việc cũ” , “hết buồn rầu, cực khổ”, chết để khỏi liên lụy tới con. Như vậy, có thể thấy được Trần Văn Sửu là hiện thân của những phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Một con người thiện lương nhưng phải sống một cuộc đời bất hạnh, một người cha thương con, đau đáu nỗi đau nhớ con, mong muốn cho con được hạnh phúc, sống vì con và chết cũng vì con.

Bên cạnh tình cảm sâu nặng người cha dành cho con thì đoạn trích cũng thể hiện tấm lòng hiếu nghĩa của con đối với cha sau nhiều năm xa cách. Thời gian không thể làm xóa nhòa đi bóng hình người cha trong tâm hồn Tí. Chính vì thế khi gặp lại cha, Tí khao khát được sống trong tình yêu thương của cha. Cuộc đối thoại dưới đêm trăng của ông ngoại và Sửu đã bị Tí nghe thấy, nó hiểu và thương cha hơn. Chính vì thương cha, hiểu cha và muốn gắn bó với cha Tí trở nên đĩnh đạc và chủ động. Nó hỏi ông ngoại về cha, chạy theo cha khi Sửu bỏ đi, cất tiếng gọi tha thiết từ một trái tim khao khát tình phụ tử: “Ai đó? Phải cha đó không cha?” Khi Trần Văn Sửu muốn kết thúc cuộc đời thì Tí đã đến với tấm lòng yêu thương cha chân thành, cứu Sửu trở về với cuộc sống. Cảnh cha con nhà Tí gặp nhau sao mà giản dị, cảm động đến thế! “ Thằng Tí chạy lại nắm riết lấy tay cha nó…” Khi gặp được cha rồi, nó chẳng rời cha nửa bước, kiên quyết cha đi đâu thì sẽ theo đó: “Hễ cha đi thì con đi theo”. Dù xa cách nhiều năm nhưng giữa cha con Tí có một sợi dây gắn kết bền chặt, để khi gặp lại, tình cha con lại đong đầy như thế! Vì con cha muốn sống, vì cha con quên đi hiện tại của mình. Đó chính là nghĩa nặng của tình cha con.

“Cha con nghĩa nặng” là một cuộc gặp gỡ đầy xúc động về tình cha con. Thông qua việc xây dựng tình huống truyện đầy mâu thuẫn cao trào tác giả đã thành công khi khắc họa tình cảm sâu nặng giữa cha con Trần Văn Sửu. Đó là tình cảm sâu đậm, thiêng liêng và bất diệt. Đoạn trích còn đặc biệt thành công khi tác giả sử dụng ngôn ngữ rất bình dị, gần gũi, đậm chất con người Nam Bộ.

 

Bài văn mẫu số 3

Hồ Biểu Chánh là một nhà văn rất quen thuộc của nhân dân Nam bộ. Ông là tác giả của hơn 60 cuốn tiểu thuyết, ông được xem là một trong số ít người tiên phong đặt nền móng cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tiểu thuyết của ông chẳng những đã phản ánh một phong cách phong phú và chân thật cuộc sống của nhân dân Nam bộ mà còn thể hiện đạo đức tốt đẹp của con người giữa cuộc đời. Tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng đã nêu bật tình cảm sâu sắc xúc động của nhân vật cha Sửu và nhân vật con Tí mà đoạn hiện in trong sách Văn 11 là một trường hợp tiêu biểu.

Trước hết ta thấy đoạn trích hiện lên trước mặt người đọc hình ảnh của ba nhân vật, song điều đáng quan tâm thì chỉ có hai (Sửu và Tí). Mặc dù chỉ qua một đoạn trích nhưng số phận của nhân vật Sửu hiện lên khá đầy đủ. Trần Văn Sửu sống trong hoàn cảnh thật éo le. Do vô tình, ông mang tiếng là người giết vợ. Sợ pháp luật săn đuổi trừng trị, Trần Văn Sửu phải sống chui lủi, đến tên tuổi tung tích của mình cũng phải tìm cách xóa sạch. Trên mười năm trời, Trần Văn Sửu phải chịu đau khổ về thể xác, tâm hồn, chịu cảnh cắn rứt dằn vặt của lương tâm. Những điều này được thể hiện qua lời nói của nhân vật khi gặp lại bố vợ và đứa con trai yêu quý của mình. Tác giả chưa miêu tả chiều sâu của nội tâm nhân vật chủ yếu dùng hành động và lời nói để thể hiện phẩm chất đạo đức của Trần Văn Sửu.

 

Trong hoàn cảnh cuộc sống không đáng sống, thậm chí Trần Văn Sửu đã sống những ngày không ra cuộc sống của con người nhưng ông đã không chết được vì lòng thương con, vì sự cắn rứt của lương tâm. Ông vốn là người lương thiện, hiền lành chất phác, thương vợ, thương con mà vợ ông lại là con người đàng điếm lăng loàn. Ông sợ là khi mình chết đi mà các con ông không hiểu được cha của nó một cách đúng đắn, chúng sẽ sống trong đau khổ vì là con của người cha tàn bạo. Rõ ràng Trần Văn Sửu có cõi tâm cao thượng chỉ muốn riêng mình nhận lấy nỗi khổ đau cùng với người vợ bất hạnh, không muốn những đứa con ngây thơ trong trắng của mình phải chịu vạ lây, không muốn cho tâm hồn chúng vẩn lên những nỗi đau u uất. Thì ra những năm tháng sống đau khổ về thể xác, về tâm hồn, ông Sửu đã không chết, vì thương con, vì ý muốn tốt đẹp cho con.

Ông Sửu bươn bả về làng tìm gặp lại những đứa con sau bao năm tháng chờ đợi con khôn lớn để có thể giãi bày cùng chúng. Đây là lúc ông có thể thực hiện điều tâm niệm ấy. Gặp lại bố vợ, ông Sửu chấp nhận tất cả những lời mắng nhiếc, sỉ nhục để đạt được mục đích của mình. Trần Văn Sửu đã nói với cha vợ những lời chứa chan nước mắt đau khổ, làm hiện lên nguyên vẹn tấm lòng thương con vô hạn của người cha. Nỗi nhớ thương con cháy lòng khiến ông trở thành người kiên quyết: “xăm xăm bước đi về cửa”, “lột nón xuống mà cầm trên tay”. Mặt khác cũng chính vì lòng thương con, khao khát được gặp mặt con khiến ông trở thành người mềm yếu một cách chân thực: “… cúi mặt ngó xuống đất, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng… Trần Văn Sửu nói tới đó rồi khóc rấm rứt”. Trần Văn Sửu than rằng: “Mười một năm nay cực khổ hết sức, song ráng mà sống, là vì trông mong có ngày thấy được mặt con. Nay về đến đây, chưa gặp con được mà phải đi, thì làm sao được, trời đất ơi!”. Chỉ bằng một lời than thế thôi mà cũng gợi ra trước mắt ta cuộc đời khổ ải của Trần Văn Sửu và nỗi lòng yêu thương con da diết, muốn gặp mặt con dù một chút mà cũng không được. Nỗi nhớ thương con cháy lòng khiến Sửu không kiềm giữ được đã thốt thành lời: (3 lần với Hương Thị Tào):

“… Con thương sắp nhỏ quá”

 

“… Con thương nhớ chúng nó quá tía ơi!”

“… Con nhớ sắp nhỏ quá”.

Chính tấm lòng yêu thương con của ông Sửu đã lay thức và làm bừng tỉnh những tình cảm tốt lành trong Hương Thị Tào. Từ chỗ ông nhiếc mắng ban đầu “Mày thiệt là đồ khốn nạn lắm. Đi liền bây giờ đi… đừng có về đây nữa” đến chỗ ông già cũng nghẹn ngào xúc động cùng Sửu: “Hương Thị Tào nghe mấy lời thảm thiết ấy thì cảm động quá, chịu không nổi, nên ông cũng khóc”. Sau khi nghe Hương Thị Tào cho biết là các con vẫn thương mình, Trần Văn Sửu chỉ muốn được nhìn thấy mặt chúng dù phải dấu mình dưới dạng người Thổ. Chi tiết đó thể hiện rất rõ nỗi lòng thương con của người cha bất hạnh. Sửu trở về nhà khao khát gặp con bao nhiêu thì sẵn sàng lặng lẽ ra đi bấy nhiêu khi biết được các con đã hiểu đúng mình và chúng sắp sửa được sống sung sướng hạnh phúc. Vì sợ liên lụy đến con, ông Sửu sẵn sàng từ bỏ khát vọng cháy bỏng trong lòng mình là được gặp lại chúng. Trần Văn Sửu vui lòng “lãnh các sự đau đớn cực khổ, buồn rầu đó, miễn là con được giàu có, sung sướng thì thôi”. Vĩnh biệt người bố vợ hiền từ nhân ái, ông Sửu ra đi quyết tâm không về nữa.

Bằng một đoạn văn đọc thoại nội tâm: “Bây giờ mình còn sống nữa làm gì! Bấy lâu mình lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì mình thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi nó trở oán mình, mình sợ nó bơ vơ, đói rách, mà tội nghiệp thân nó. Bây giờ mình biết rõ nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì mình nên chết rồi, chết mới quên hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu, cực khổ nữa”, một đoạn văn rất mới so với văn học trung đại, Hồ Biểu Chánh đã tái hiện được vẻ đẹp tâm hồn của người cha: Sửu trở về cũng là vì muốn gặp được con, lầm lũi ra đi vĩnh viễn cũng là vì con. Hai thái cực đó làm hiện lên tấm lòng nhân ái của người cha bất hạnh một tình huống éo le. Và bây giờ ông muốn chết đi, nên chết để “quên hết việc cũ”, “hết buồn rầu, cực khổ”, chết để khỏi liên lụy đến con!

Tiếp đó, Hồ Biểu Chánh đã để cho nhân vật hồi tưởng lại quá khứ sống vì con, chết vì con của đời mình (“Anh ta nghĩ như vậy rồi nhắm mắt lại”…). Trong trí tưởng tượng của ông Sửu, hình ảnh của người vợ khi chết như là nỗi ám ảnh về tội lỗi dai dẳng, giày vò tâm can ông. Điều đó làm ông muốn chết và quên đi chuyện cũ để hết nỗi đau khổ. Mặt khác hình ảnh thơ ngây của những đứa con ngoan ngoãn làm cho ông đau đớn trong lòng, trong tận cùng của nỗi đau ấy, cái đẹp của lòng lương thiện và tình thương con cũng ngời sáng. Nhân vật Trần Văn Sửu trong đoạn trích Cha con nghĩa nặng như là hiện thân của những phẩm chất đạo đức truyền thống giàu tính nhân bản. Con người hiền lành lương thiện ấy đã phải sống một cuộc đời bất hạnh, song lòng lương thiện, đức vị tha bao dung, tình thương con của người cha đó vừa có tác dụng truyền cảm vừa có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Câu chuyện được kết cấu theo trật tự thời gian, nhân vật được khắc họa chủ yếu qua hành trang và lời nói, mục đích sáng tác nhằm giáo huấn, tuyên truyền đạo đức. Đó là những điều chúng ta gặp trong văn học dân gian và văn học trung đại. Nhìn chung cuộc gặp gỡ giữa Sửu và bố vợ là một trường đoạn bộc lộ tâm trạng.

Đó là nỗi khát khao tình cảm của một người cha đối với con, là sự giãi bày những uẩn khúc đã giấu trong lòng suốt 11 năm trời. Sở dĩ 11 năm qua Trần Văn Sửu chưa muốn kết thúc cuộc đời mình chính là mong có phút gặp gỡ cùng con. Nhưng chưa gặp con là đã gặp lại người bố vợ. Ngôn ngữ đối thoại ở đây đầy tâm trạng và rất xúc động đồng thời mang sắc thái ngôn ngữ Nam bộ đặc sắc. Sự phát triển tính cách nhân vật ở đoạn này dựa trên quy luật tâm lí và hoàn toàn hợp lí. Đó là một thành công trong xây dựng nội tâm nhân vật của tác giả. Tác giả khéo tạo tình huống để nhân vật có thể bộc lộ nội tâm của mình.

Bên cạnh tình cảm của người cha đối với con thật sâu sắc, là tấm lòng hiếu nghĩa của đứa con khi gặp lại cha sau 11 năm xa cách. Dường như 11 năm trời hình bóng người cha không thể nào phai mờ trong đứa con hiếu nghĩa. 11 năm trôi qua. Tí (con) phải sống thiếu tình thương yêu của người cha đối với mình, chính vì thế khi gặp lại người cha, tình phụ tử trào dâng choán ngập hết tâm hồn Tí. Lúc này đây Tí chỉ biết có mình cha, khao khát được sống trong tình thương yêu của người cha.

Tình nghĩa sâu nặng giữa hai cha con Tí đem đến cho ta niềm xúc động thật thấm thía. Bởi tình nghĩa đó không hiện diện ở một phía (Sửu) mà đến từ hai phía như một sự gặp gỡ vừa tất yếu vừa thiêng liêng. Trước hết tình thương cha, hiểu cha, muốn gắn bó với cha khiến cho Tí trở nên đĩnh đạc và chủ động. Nó đĩnh đạc và chủ động hỏi ông ngoại: “Cha tôi đi đâu rồi ông ngoại?”. Đĩnh đạc và chủ động chạy theo cha khi Sửu bỏ đi. Nó đâm đầu chạy riết theo, tiếng nói cất thêm từ niềm sâu thẳm của tình nghĩa phụ tử sao mà xúc động: “Ai đó? Phải cha đó không, cha?”. Trong khi Trần Văn Sửu muốn tự tử kết thúc cuộc đời đau khổ của mình thì Tí đến với tấm lòng yêu cha chân thành, đã cứu cha trở về với cuộc sống.

Cảnh cha con gặp nhau thật cảm động, sinh động và giản dị: “Thằng Tí chạy riết lại nắm lấy tay cha nó, dòm sát trong mặt rồi nhìn mà ôm cứng trong lòng mà nói: “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu giữ vậy”. Lúc ấy Trần Văn Sửu mất trí khôn, hết nghị lực, máu trong tim chảy thình thịch, nước trong con mắt tuôn ròng ròng, đứng xui xị xui lơ, không nói được một tiếng chi hết”. Khi gặp được cha rồi, Tí nhất quyết không rời cha nửa bước. Cậu ta kiên quyết: cha đi đâu con theo đó”, “Hễ cha đi thì con đi theo”, “Đi theo đặng mà làm mà nuôi cha; chừng nào cha chết rồi con sẽ về”. Mặc dù đã mười một năm không gặp cha, không được cha âu yếm, nuôi nấng, nhưng khi được gặp, mối tình phụ tử lập tức tràn đầy. Như vậy, Trần Văn Sửu trở về cũng vì con mà ra đi cũng vì con, cho nên Tí cũng vì cha mà đi theo cha để chăm sóc cha quên đi cuộc sống hiện tại mình… Ấy chính là cái “nghĩa nặng” của tình cha con thể hiện ở đây.

 

Bài văn mẫu số 4

Hồ Biểu Chánh là một gương mặt nhà văn khá tiêu biểu ở khu vực Nam Bộ, đúng như con người Nam Bộ, Hồ Biểu chánh thể hiện được những nét đặc trưng của vùng miền, đó chính là cái khẳng khái, bộc trực trong tính cách, cái giản dị, mộc mạc trong cách sống, lối sống. Vì vậy mà đọc các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh ta cảm nhận được cái gì đó rất chân thật, bởi đó đều là những câu chuyện được bắt nguồn từ thực tế cuộc sống, lại được thổi lồng hơi thở mộc mạc, chất phác của phong cách nhà thơ. Nhà văn Hồ Biểu Chánh có rất nhiều tác phẩm viết về cuộc sống của những con người Nam Bộ, một trong số đó là tác phẩm “Cha con nghĩa nặng”.

“Cha con nghĩa nặng” là một trong những tác phẩm tiêu biểu, nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hồ Biểu Chánh, trong đó đoạn trích chúng ta tìm hiểu dưới đây là một trích đoạn thuộc chương IX, kể về tình cảm cha con sâu lặng, đầy cảm động của hai nhân vật, đó là nhân vật người cha Trần Văn Sửu và người con tên Tí. Vốn dĩ gia đình của Trần Văn Sửu là một gia đình hạnh phúc, tuy không giàu có nhưng có vợ chồng chăm chỉ làm lụng và ba đứa con ngoan ngoãn: Sung, Tí và Quyên. Nhưng biến cố bất ngờ đã xảy đến với gia đình của Sửu, khi người vợ là Thị Lựu đã thay lòng đổi dạ, đánh mất phẩm tiết phản bội lại chồng, gian díu với người đàn ông khác.

Đỉnh cao của bi kịch gia đình, đó là khi Trần Văn Sửu đã bắt gặp cảnh Thị Lựu cùng người đàn ông ấy gian díu ngay trong ngôi nhà của mình, vì tính tình vốn bộc trực, thẳng thắn nên Sửu đã không kiềm chế nổi sự tức giận, càng tức giận hơn khi Thị Lựu không những không có biểu hiện ăn năn, hối lỗi mà còn ăn nói hỗn hào, thậm chí còn ngăn cản không cho Trần Văn Sửu đuổi theo, mở lối cho tình nhân tẩu thoát, trong cơn tức giận, Trần Văn Sửu đã có giằng co với vợ, và thật không may, vì lỡ tay mà Thị Lựu đã ngã lăn xuống phản, chết ngay. Vì vợ chết nên Trần Văn Sửu đứng trước nguy cơ bị bắt giam, vì những đứa con nhỏ dại nên người đàn ông ấy đã bỏ trốn biệt tích.

Tha phương, ẩn náu nơi đất khách, ba đứa trẻ tội nghiệp, con của Trần Văn Sửu được cưu mang, chăm sóc bởi người ông ngoại, tuy sống tha phương nhưng tâm trí và tình cảm của Trần Văn Sửu chưa bao giờ thôi mong ngóng, hướng về những người con. Ta có thể thấy người đàn ông ấy bỏ trốn không phải là một hành động hèn nhát, chối bỏ trách nhiệm cho những sai lầm của mình mà vì một mục đích cao cả hơn, đó là vì những đứa con, vì nếu như bị bắt giam, chịu những hình phạt thì những đứa con của anh ta sẽ ra sao, sẽ đói khổ, cơ cực, đáng thương biết mấy. Và sự trốn chạy suốt mười mấy năm ròng cũng là mong có ngày được thấy mặt con “Mười một năm nay cực khổ hết sức, song ráng mà sống, là vì trông mong có ngày được thấy mặt con..”, sợ con “bơ vơ, đói rách, mà tội nghiệp nó”.

Cũng là sợ những đứa con không hiểu chuyện mà oán trách mình “…bấy lâu nay sống lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi oán mình…”. Tình cảm cha con sâu nặng được thể hiện ngay ra trong một tình huống, đó chính là khi Trần Văn Sửu vì quá nhớ con mà liều lĩnh quay trở lại quê xưa, lén lút muốn quan sát cuộc sống hiện thời của những đứa con. Dù rất yêu thương, nỗi nhớ nhung chưa bao giờ thôi da diết, nhưng Trần Văn Sửu cũng chỉ mong có thể nhìn thấy mặt con, cho thỏa thuê nỗi nhớ, còn gặp mặt, ôm ấp những đứa con yêu dấu là điều quá sức xa xỉ với anh ta. Xa xỉ không bởi là không thực hiện được, bởi Trần Văn Sửu đã đón nhận mọi sự trách móc của người bố vợ khi vô tình gây ra cái chết cho Thị Lựu và cũng được người đàn ông ấy cho phép gặp lại những đứa con, nhưng từ ý thức của người cha.

Trần Văn Sửu không làm vậy mà lại đau khổ lựa chọn cho mình một giải thoát “…bây giờ mình biết rõ nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì nên chết rồi, chết mới quên được hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”. Tình tiết xúc động của tình cha con phải kể đến cuộc gặp mặt, đối thoại của Trần Văn Sửu với người con trai của mình- Tí. Vì khi về thăm con, dù đã rất kín đáo, bí mật không để cho những đứa con biết về sự xuất hiện của mình, và sau khi nhìn thấy các con thì người đàn ông ấy cũng lập tức rời đi. Nhưng, nhận thấy bóng dáng quen thuộc của người cha, Tí đã theo chân bóng dáng quen thuộc ấy đến tận cây cầu ven sông. Và cũng nhờ vậy mà có thể ngăn cản được Trần Văn Sửu khi có ý định nhảy xuống sông tự tử.

Chi tiết gặp mặt, tiếng gọi của Tí khiến cho người đọc cảm thấy thổn thức, vì nó quá đỗi chân thành, đó là tiếng gọi của trái tim, của những cảm xúc dồn nén trong hơn chục năm qua “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy”, qua những câu nói dồn dập của Tí ta có thể liên tưởng đến việc Tí đã đuổi theo cha từ rất lâu, và khi nhìn thấy cha trên cầu thì không tránh khỏi sự xúc động, hơi thở có phần dồn dập. Bất ngờ gặp lại con, Trần Văn Sửu đã sững người lại, “..hết nghị lực, máu trong tim chảy thình thịch, nước mắt tuôn ròng ròng…đứng xụi lơ, không nói được một tiếng chi hết”. Dường như khi đã quá xúc động thì lời nói, hành động đã nhường chỗ lại cho sự tĩnh lặng. Tĩnh lặng không phải không có gì để nói mà im lặng để cảm nhận, im lặng bởi sự dạt dào của cảm xúc.

Tình cảm của Tí dành cho cha cũng không hề thay đổi, dù cha chính là người gây ra cái chết cho mẹ, Tí không những không hận thù cha mà thời gian càng làm cho tình cảm dành cho cha thêm sâu nặng. Gặp được cha sau gần chục năm xa cách, Tí không nghe lời cha là quay trở về mà một mực muốn theo cha “ …Con không về được. Bấy lâu nay con tưởng cha chết rồi, té ra cha còn sống. Vậy thì bây giờ cha đi đâu con đi đó”, những câu nói có phần ngô nghê nhưng lại là những lời hết sức chân thật, xuất phát từ tấm lòng của người con hiếu nghĩa. Khi sự việc đau lòng xảy ra, tuy còn rất nhỏ nhưng Tí lại không bị những lời đàm tiếu của láng giềng làm ảnh hưởng mà oán trách bố, ngược lại còn nhìn nhận khá thấu đáo về chân tướng của sự thật.

Tí biết rằng má là người sai trước, người cha tội nghiệp của Tí không hề có lỗi gì cả, trốn chạy cả chục năm nay là quá đủ cho mọi sai lầm. Khi cha khuyên Tí về nhà lo cưới vợ thì Tí đã nói ngay “…Cưới vợ mà làm gì. Cưới vợ đặng báo hại như má báo hại cha hồi trước đó sao”, tuy là một người con hiếu nghĩa nhưng Tí cũng đã có những suy nghĩ sai lệch về má của mình, bị ám ảnh bởi những chuyện trong quá khứ. Trước những suy nghĩ tiêu cực của con, Trần Văn Sửu không những không tàn đồng vì Tí bênh vực mình mà còn rất nghiêm khắc dạy dỗ con, vì Thị Lựu tuy có phản bội mình, người gây ra sự đổ vỡ của gia đình nhưng với cương vị, tư cách của một người mẹ thì chị ta hoàn toàn nhận được sự yêu thương, tôn trọng của những người con “Con không nên phiền trách má con. Má có quấy là quấy với cha, chứ không quấy với con”.

Như vậy, qua trích đoạn “Cha con sâu nặng” tác giả Hồ Biểu Chánh đã thể hiện một cách xuất sắc tình cảm cha con của Trần Văn Sửu và Tí, bởi nó quá đỗi chân thực, sống động, qua từng tình tiết của trích đoạn, người đọc còn cảm nhận được tình cảm của hai cha con cho nhau, vì vậy mà không khỏi cảm động, thương cảm trước tình cảm ấy. Tình cha con thể hiện ở tình yêu, trách nhiệm của Trần Văn Sửu dành cho con, vì con mà chịu khổ, vì con mà sẵn sàng tìm đến cái chết để giải thoát, còn Tí lại là một người con hiếu nghĩa, bởi dù nghe bao nhiêu lời đồn đoán rằng cha đã mất nhưng trong tâm trí thì người cha ấy mãi tồn tại, chẳng vậy mà thấp thoáng thấy bóng cha mà Tí đã đuổi theo, ngăn không cho cha làm việc dại dột, dùng tình cảm để thuyết phục cha cho mình đi theo để chăm dưỡng, báo hiếu cho cha.

 

Bài văn mẫu số 5

Đoạn trích “Cha con nghĩa nặng” thuộc nửa sau Chương IX – cuốn tiểu thuyết thứ 15 của Hồ Biểu Chánh. Thật không có nhan đề nào hay hơn để thay thế. Câu chuyện kể có nhiều tình huống éo le và cảm động. Các tình tiết đan chéo vào nhau làm nổi bật những đức tính tốt đẹp của Trán Văn Sửu, của thằng Tí trước bi kịch gia đình.

   Sau mười mấy năm phải thay họ đổi tên, làm thuê làm mướn kiếm sôhg ở quê người, nỗi khổ tâm đầy ắp trong lòng Trần Văn Sửu là nỗi nhớ day dứt, triển miên hai đứa con thơ tội nghiệp, là thằng Tí và con Quyên, ở nơi đất khách quê người, người cha đau khổ vì sau ngày nhỡ tay xô vợ ngã chết, lương tâm cứ cắn rứt mãi không thôi. Sửu sợ hai con “không hiểu việc xưa rồi nó trở oán mình “, lại sợ con sống trong cảnh côi cút “hơ vơ đói rách, mà tội nghiệp”. Mẹ thì đã chết rồi, cha còn hay mất? Con không cha như nhà không nóc!

   Sau hơn mười năm trốn tránh nơi quê người, Sửu bí mật trở về Giồng Ké với ước nguyện được thăm con, được nhìn tận mặt con dù chỉ trong một lát mà cũng không được. Hình ảnh Sửu “chắp tay xá cha vợ rồi đội nón lên và bươn bá bước ra lộ” giữa đêm trăng, trông thật đáng thương. “Ông ngoại giấu tôi tàm chỉ? Sao đuổi cha tôi đi? ” — Câu hòi ấy của thằng Tí đâu chỉ là lời trách móc ông ngoại nó, mà còn biểu lộ tình cảm của đứa con khao khát được gặp lại người cha thân yêu của mình. Tình thương cha vô hạn của đứa con thơ trước bi kịch gia đình đã làm ta rơi nước mắt.

   Cảnh thằng Tí chạy vượt qua cánh đồng Phú Tiên đã cho thấy tình cha con sâu nặng biết bao!

   Ngồi trên cầu Mê Tức, Sửu ân hận nhớ lại hình ảnh vợ lúc chết “nằm ngay đơ trên bộ ván, miệng nhểu mấy giọt máu đỏ lòm, mắt hết thán mà còn mở trao tráo”. Anh quên sao được hình ảnh con Quyên, thằng Tí “đứa níu áo, đứa nắm tay mà nói dỏ dẻ” mỗi buổi chiều khi anh ở ruộng đi vể. Những kỉ niệm ấy đã làm cho Sửu “đau đớn trong lòng quá, chịu không dược “. Trưóc khi định nhảy xuống sông tự tử, Sửu cất tiếng nhản gọi con thơ: “Cha chết nhé ! Mấy con ở lại mạnh giỏi, dể cha theo mẹ con cho rỗi”. Lỗi kêu thương vĩnh biệt ấy đã thể hiện một cách sâu sắc tình cha con nghĩa nặng vô cùng.

   Tâm trạng đau đón vì nhớ thương con của Trần Văn Sửu khi ngồi trôn cầu Mê Tức đã được Hồ Biểu Chánh miêu tả một cách chân thực, tinh tế. Cảnh hai cha con Trần Vàn Sửu gặp nhau trên cầu Mê Tức sau những năm dài biệt li được ghi lại một cách cảm động. Thằng Tí đã đến kịp thời, nếu chỉ chậm vài bước chân thì cha nó đã về bên kia thế giới. Thấy người chạy lên cầu, nó vội hỏi: “ai đó? Phải cha đó không, cha? thì Trần Văn Sửu tháo đầu khỏi lan can cầu “rồi day mà ngố”. Thằng Tí xúc động đến cưc đô, hắn “chạy riết lạỉ nắm tay cha nó, dòm sát trong mắt mà nhìn rồi ôm cứng “; cha nó vào lòng. Nó kêu, nó khóc hay nó tủi cực? Nó nói, nó hỏi liên tiếp: “Cha ôi! Cha! Cha chạy đi đâu dữ vậy?”. Cử chỉ, hành động và lời nói của đứa con trai tội nghiêp đã làm cho người cha bồi hồi, bàng hoàng “mất trí khôn, hết nghi lưc, máu trong tim chảy thình thịch, nước trọng mắt tuôn ròng ròng, đứng xui xị xui lơ, không nói được một tiếng chi hết “. Hai cha con cứ “ôm nhau mà khóc “. “Đến bây giờ mới thấy đây – Mà lòng đã chắc những ngày một hai (Truyện Kiều). Con thì tưởng cha đã chết;cha lại tưởng không bao giờ được gặp lại con. Thế mà giờ đây, trên cầu Mê Tức ở quê nhà, khi “trên trời trăng thanh vằng vặc; dưới sông dòng bích nao nao “, hai cha con anh nông dân hiền lành, chất phác lại được gặp nhau, tưởng như trong mơ. Đây là một trong những đoạn văn nhiều ý vị nhất trong tác phẩm “Cha con nghĩa nặng”. Hổ Biểu Chánh đã sử dụng lời ăn tiếng nói chân quê của những người dân ấp dân lân để miêu tả tâm trạng hai cha con Trần Văn Sửu một cách khá tinh tế, xúc động. Cách chúng ta ngày nay ngót một thế kỉ mà có được những trang văn xuôi đậm đà như thế, thật đáng quý. Nhà văn Hồ Biểu Chánh đã sinh ra và lớn lên ở miệt vườn vùng đồng bằng sông 

   Cửu Long, ngòi bút và tâm hồn ông đã gắn bó, hoà quyện với hơi thở và nhịp sống cần lao của người nông dân Nam Kì nên mới viết được chân thực như vậy.

   Trần Văn Sửu không thể vể sống lại nơi quê nhà. Làng tổng sẽ bắt, anh sẽ phải đi tù. Nếu sự việc xảy ra thì hạnh phúc và cuộc sống của hai đứa con của anh sẽ gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Nếu lại ra đi, sống lẩn lút nơi các sóc người Thổ ở Ba Si, Láng Thó thì sẽ thương nhớ con, lòng người cha sao đành? Thằng Tí thì chỉ vì muốn theo cha, “đi theo đặng làm mà nuôi cha; chừng nào cha chết rồi con sẽ về”. Tục ngữ có câu: Trẻ cậy cha, già cậy con”. Có phụng dưỡng cha mẹ lúc ốm đau, già nua thì mới trọn đạo làm con, mới “tròn chữ hiếu”. Thằng Tí chỉ có một ý nguyện: “Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ”. Chuyện cha trở vé hay cha lại ra đi, chuyện để cha ra đi một mình, hay con đi theo cha đến tận xứ người là nỗi băn khoăn của Trần Văn Sửu và thằng Tí. Vì thế hai cha con cứ “dan díu bịn rịn cho đến sao Mai mọc” mới tìm được lối thoát hợp lí. Đọc truyện “Cha con nghĩa nặng” đến Chương X, chúng ta cảm động đến rơi lệ trước cái kết có hậu chứa chan nhân tình nhân nghĩa. Người cha được miễn truy tố, được trở lại quê hương sum họp với đàn con yêu quý.

   Trần Văn Sửu và thằng Tí, những con người chân lấm tay bùn, đầu tắt mặt tối, lam lũ quanh năm, lại mù chữ thế mà cách sống, cách ứng xử của hai cha con thật đẹp. Trước bi kịch gia đình, tình cha con vẫn sắt son sầu nặng. Đặc biệt thằng Tí là một đứa con hiếu thảo, hiếu thuận và hiếu nghĩa. Hai cha con Trần Văn Sửu là hiện thân bao phẩm chất tốt đẹp của người nông dân miền Nam nước ta xưa và nay.

 

Nguồn: Tổng Hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *