Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2022 – Đề 25

Blog chia sẻ Bộ đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2022, giúp bạn ôn luyện và chuẩn bị cho thật tốt cho kì thi sắp tới.

Xem thêm: Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2022 – Đề 24

Đây là bộ đề thi mang tính chất thực tiễn cao, giúp các thầy cô và các em học sinh luyện thi THPT Quốc Gia môn Lịch sử cử có một tài liệu bám sát đề thi để đạt được thành tích cao, mang lại vinh dự cho bản thân, gia đình và nhà trường. Bộ đề gồm nhiều câu hỏi hay được các thầy cô trên cả nước sưu tầm và sáng tác, ôn luyện qua sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức từ đó thêm yêu thích và học giỏi môn học này.

I. Trắc nghiệm

Câu 1. Giai cấp nông dân Việt Nam có mối quan hệ tự nhiên, gắn bó với giai cấp

A. địa chủ.

B. tư sản.

C. công nhân.

D. tiểu tư sản.

Câu 2. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam đầu năm 1930 quyết định thành lập một đảng duy nhất lấy tên là 

A. Đảng Cộng sản Việt Nam.                                          

B. Đảng Lao động Việt Nam. 

C. Đảng Dân chủ Việt Nam.                                            

D. Đảng Cộng sản Đông Dương.

Câu 3. Khối liên minh công nông lần đầu tiên được hình thành từ trong phong trào cách mạng nào ở Việt Nam? 

A. Phong trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945.    

B. Phong trào cách mạng 1930 – 1931.

C. Phong trào dân tộc dân chủ 1919 – 1930.        

D. Phong trào dân chủ 1936 – 1939. 

Câu 4. Nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia phong trào dân chủ 1936 – 1939 là do đời sống của họ

A. có phần ổn định.                                                                   

B. được cải thiện hơn.

C. khó khăn, cực khổ.                                                                

D. không quá khó khăn.

Câu 5. Để thúc đẩy sự phát triển của cao trào “Kháng Nhật, cứu nước” ở các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra khẩu hiệu

A. “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”.

B. “Tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian”.

C. “Giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công”.

D. “Đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày”.

Câu 6. Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mâu thuẫn giữa

A. giai cấp vô sản với giai cấp tư sản.

B. giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến.

C. toàn thể nhân dân với đế quốc xâm lược và phản động tay sai.

D. nhân dân lao động với thực dân Pháp và các giai cấp bóc lột.

Câu 7. Khó khăn nghiêm trọng nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 là

A. nạn đói.

B. giặc dốt.

C. tài chính.

D. giặc ngoại xâm.

Câu 8. Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946) là do

A. Việt Nam đã tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô và một số nước khác.

B. quá trình chuẩn bị lực lượng của Việt Nam cho cuộc kháng chiến đã hoàn tất.

C. Pháp ráo riết chuẩn bị lực lượng để tiến hành xâm lược Việt Nam.

D. Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng biện pháp hòa bình với Pháp được nữa.

Câu 9. Việc Mĩ đồng ý với Pháp thực hiện kế hoạch Rơve (5/1949) là mốc mở đầu cho

A. chính sách xoay trục của Mĩ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

B. sự hình thành liên minh quân sự giữa hai cường quốc Pháp và Mĩ.

C. thời kì Mĩ triển khai chiến lược toàn cầu ở khu vực Đông Nam Á.

D. quá trình Mĩ dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.

Câu 10: Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) là do

A. sự lãnh đạo của Đảng với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

B. tinh thần đoàn kết, dũng cảm trong chiến đấu và sản xuất của nhân dân.

C. sự phát triển của mặt trận dân tộc thống nhất và lực lượng vũ trang.

D. hệ thống hậu phương không ngừng được củng cố, phát triển.

II. Tự luận

Câu 1: Chứng minh rằng: phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam diễn ra với quy mô rộng lớn, hình thức đấu tranh phong phú và mang tính cách mạng triệt để.

Câu 2: Lí giải vì sao bước sang năm 1953, Pháp đưa ra kế hoạch quân sự Na-va? Nêu nội dung và nhận xét về bản chất của kế hoạch đó.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

I. Trắc nghiệm

Bảng đáp án: Mỗi đáp án đúng được 0,25 điểm

1-C

2-A

3-B

4-C

5-A

6-C

7-D

8-D

9-D

10-A

Gợi ý trả lời:

Câu 1. 

Đáp án C

Dưới tác động từ những chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, nông dân Việt Nam bị mất ruộng đất (tư liệu sản xuất) và phá sản trên quy mô lớn => nhiều người nông dân mất ruộng đã xin vào làm việc tại các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền… họ bán sức lao động để kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình => trở thành công nhân.

=> Giai cấp nông dân Việt Nam có mối quan hệ tự nhiên, gắn bó với giai cấp công nhân.

Câu 2. 

Đáp án A

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản của Việt Nam đầu năm 1930 quyết định thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (SGK – trang 88).

Câu 3.

Đáp án B

Ở Việt Nam, khối liên minh công nông lần đầu tiên được hình thành từ trong phong trào cách mạng 1930 – 1931.

Câu 4. 

Đáp án C

Nhân dân Việt Nam hăng hái tham gia phong trào dân chủ 1936 – 1939 là do đời sống của họ khó khăn, cực khổ (trong phong trào cách mạng 1936 – 1939, mực tiêu đấu tranh trước mắt của nhân dân Việt Nam là: đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Trong phong trào cách mạng, nhiều cuộc đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ đã diễn ra).

Câu 5. 

Đáp án A

Ở Bắc Kì và Nam Kì, trước thực tế nạn đói đang diễn ra trầm trọng do chính sách cướp bóc của Pháp – Nhật, Đảng Cộng sản Đông Dương đã đề ra khẩu hiệu: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”. Khẩu hiệu đã đáp ứng nguyện vọng cấp bách của nhân dân, tạo thành phong trào đấu tranh mạnh mẽ (SGK – trang 113).

Câu 6. 

Đáp án C

Mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mâu thuẫn dân tộc giữa toàn thể nhân dân với đế quốc xâm lược và phản động tay sai.

Câu 7. 

Đáp án D

– Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” do cùng một lúc gặp phải rất nhiều khó khăn, trong đó nghiêm trọng nhất là các thế ngoại xâm âm mưu thủ tiêu nền độc lập dân tộc…

Câu 8. 

Đáp án D

Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946) là do: Việt Nam không thể tiếp tục sử dụng biện pháp hòa bình với Pháp được nữa:

+ Từ ngày 6/3/1946 đến trước ngày 19/12/1946, Đảng và chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương hòa hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc với Pháp để tránh tình trạng đối phó cùng một lúc với nhiều kẻ thù.

+ Tuy nhiên, âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp ngày càng bộc lộ rõ nét. Trước tình hình đó, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp hai ngày 18 và 19/12/1946 tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Đông đã quyết định phát động phong trào toàn quốc kháng chiến.

Câu 9.

Đáp án D

Từ năm 1949, trọng tâm chiến lược toàn cầu dịch chuyển về châu Á, đặc biệt là Đông Dương. Để quốc tế hóa cuộc chiến tranh Đông Dương, đàn áp cách mạng Việt Nam, Mĩ đã bắt đầu dính líu trực tiếp, can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương thông qua viện trợ quân sự, đề ra và thực hiện Kế hoạch Rơ-ve.

Câu 10: 

Đáp án A

Nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954) là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương với đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo.

II. Tự luận

Câu 1:

* Phong trào cách mạng 1930 – 1931 diễn ra sôi nổi với quy mô lớn

– Diễn ra trên phạm vi cả nước với các trung tâm đấu tranh lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn – Chợ Lớn, Nghệ An, Hà Tĩnh,…

– Kéo dài liên tục suốt gần 2 năm (đầu năm 1930 – cuối năm 1931).

– Lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đông đảo nhất là công nhân – nông dân. 

– Hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ đã diễn ra. Tiêu biểu: 

+ Tháng 2/1930, diễn ra cuộc bãi công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riền.

+ Tháng 4/1930, hơn 4000 công nhân nhà máy sợ Nam Định bãi công.

+ Tháng 9/1930, cuộc biểu tình của gần 3 vạn nông dân huyện Hưng Nguyên.

* Phong trào cách mạng 1930 – 1931 diễn ra với hình thức đấu tranh phong phú

– Hình thức từ thấp đến cao: mít tinh, biểu tình, kết hợp biểu tình thị uy với các hoạt động vũ trang để tiến công địch.

– Hình thức đấu tranh cao nhất là dùng bạo lực cách mạng, khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền (tiêu biểu là ở Nghệ An, Hà Tĩnh).

* Phong trào cách mạng 1930 – 1931 mang tính cách mạng triệt để

– Không có ảo tưởng với kẻ thù dân tộc và giai cấp, phong trào đã nhằm trúng hai kẻ thù cơ bản của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp xâm lược và phong kiến tay sai.

– Từ tháng 9/1930, phong trào cách mạng dâng cao. Tại một số nơi thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, hệ thống chính quyền địch bị tan rã từng mảng, nhiều lí trưởng, chánh tổng bỏ trốn, chính quyền công nông binh được thành lập dưới hình thức Xô viết.

Câu 2:

a. Nguyên nhân thúc đẩy Pháp đề ra và thực hiện Kế hoạch Na-va.

– Pháp gặp nhiều khó khăn và lâm vào thế bị động, cần nhanh chóng tìm hướng giải quyết.

– Mĩ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, ép Pháp phải kéo dài, mở rộng chiến tranh.

– Sự lớn mạnh và ngày càng trưởng thành của bộ đội chủ lực của Việt Nam, từ năm 1950, quân đội Việt Nam luôn giành thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ.

=> Tháng 05/1953, với sự thỏa  thuận  của Mỹ, Pháp kế hoạch Nava nhằm xoay chuyển cục diện chiến tranh, “kết thúc chiến tranh trong danh dự” (sau 18 tháng).

b. Nội dung Kế hoạch Na-va:

– Bước một: thu – đông 1953 và xuân 1954 giữ thế phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công chiến lược để “bình định” miền Trung Bộ và Nam Đông Dương.

– Bước hai: từ  thu – đông 1954, tiến công chiến lược Bắc Bộ, cố giành thắng lợi quân sự quyết định. 

=> Bản chất của kế hoạch Nava là tập trung binh lực nhưng luôn chứa đựng mâu thuẫn (giữa tập trung với phân tán lực lượng).

 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *