Bộ đề ôn thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2021 có đáp án

Blog chia sẻ các kiến thức cơ bản, cùng đề thi chính thức kì thi tốt nghiệp THPTQG 2021 và một số đề ôn thi THPT Quốc gia môn Văn. Hi vọng đây sẽ là những tài liệu hữu ích cho tất cả các em.

Xem thêm: Top 10 đề đọc hiểu môn Ngữ văn năm 2021 ôn thi THPT Quốc gia

Đề ôn thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2021 có đáp án (Đề 1)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Năm học 2021

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

TỰ SỰ

Dù đục, dù trong con sông vẫn chảy

Dù cao, dù thấp cây lá vẫn xanh

Dù người phàm tục hay kẻ tu hành

Đều phải sống từ những điều rất nhỏ.

Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

Sao ta không tròn ngay tự trong tâm?

Đất ấp ôm cho muôn hạt nảy mầm

Những chồi non tự vươn lên tìm ánh sáng

Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

Chắc gì ta đã nhận ra ta

Ai trong đời cũng có thể tiến xa

Nếu có khả năng tự mình đứng dậy.

Hạnh phúc cũng như bầu trời này vậy

Đâu chỉ dành cho một riêng ai.

(Lưu Quang Vũ)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Anh/chị hiểu thế nào về ý nghĩa 2 câu thơ sau:

    “Nếu tất cả đường đời đều trơn láng

    Chắc gì ta đã nhận ra ta”

Câu 3. Tìm các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của văn bản. Nêu ngắn ngọn tác dụng của các biện pháp tu từ đó.

Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm):

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa được gợi nên từ 2 câu thơ trong văn bản ở phần Đọc hiểu:

   “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó

   Sao ta không tròn ngay tự trong tâm”

Câu 2 (5.0 điểm)

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh viết:

    Hỡi đồng bào cả nước.

   “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

   Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

   Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

   Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016)

    Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó liên hệ tới phần mở đầu của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) để nhận xét về cách xác lập chân lí về quyền độc lập dân tộc của mỗi tác giả.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: – Phương thức biểu đạt: Nghị luận và biểu cảm

Câu 2: – “Đường đời trơn láng” tức là cuộc sống quá bằng phẳng, yên ổn, không có trở ngại, khó khăn. Con người không được đặt vào hoàn cảnh có vấn đề, có thách thức; không phải nỗ lực hết mình để vượt qua trở ngại, để chinh phục thử thách mới đến được đích. Khi đó con người không có cơ hội để thể hiện mình nên cũng không khám phá và khẳng định được hết những gì mình có; không đánh giá hết ưu điểm cũng như nhược điểm của bản thân. Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.

Câu 3: – Các biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ đầu của văn bản: Điệp ngữ, liệt kê, đối (đục-trong, cao- thấp, phàm tục – tu hành, vẫn chảy, vẫn xanh…)

-Tác dụng của các biện pháp tu từ: Từ những điều tất yếu trong cuộc sống, nhà thơ khẳng định: cho dù điều kiện trái ngược nhau nhưng mọi sự vật vẫn đi theo quy luật của nó. Mặt khác giúp câu thơ có nhịp điệu, sinh động hơn .

Câu 4: *Học sinh có thể chọn một trong những thông điệp sau và trình bày suy nghĩ thấm thía của bản thân về thông điệp ấy:

– Dù là ai, làm gì, có địa vị xã hội thế nào cũng phải sống từ những điều rất nhỏ; biết nâng niu, trân trọng những cái nhỏ bé trong cuộc sống mới có được hạnh phúc lớn lao.

– Con người có trải qua thử thách mới hiểu rõ chính mình và trưởng thành hơn.

– Muốn có được hạnh phúc phải tự mình nỗ lực vươn lên.

– Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ta mong muốn, biết đòi hỏi nhưng cũng phải biết chấp nhận, biết nhìn đời bằng con mắt lạc quan, biết cho đi thì mới được nhận lại…

* Vì sao? (Lí giải thuyết phục)

II. LÀM VĂN

Câu 1:

a. Đảm bảo hình thức của đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: đứng trước cái “méo mó” của nhân sinh, cần có thái độ tích cực, chủ động, lạc quan.

c. Nội dung đoạn văn

-Ý nghĩa 2 câu thơ: Bản chất cuộc đời là không đơn giản, không bao giờ hoàn toàn là những điều tốt đẹp, thậm chí có vô vàn những điều “méo mó”, thử thách bản lĩnh, ý chí của con người. Thái độ “tròn tự trong tâm” là thái độ tích cực, chủ động trước hoàn cảnh.

– Thái độ “tròn tự trong tâm” sẽ giúp ích nhiều cho cá nhân và xã hội. Thái độ, suy nghĩ của bản thân sẽ chi phối hành động, từ đó quyết định công việc ta làm cùng một hoàn cảnh có người chỉ ngồi than khóc còn người “tròn tự trong tâm” sẽ nỗ lực để đi qua thử thách đó và hướng đến thành công. Đây là thái độ sống đúng, làm đúng, không gục ngã trước khó khăn, trước phi lý bất công.

– Nêu và phê phán một số hiện tượng tiêu cực: “ta hay chê”, chỉ biết than thở, không tích cực suy nghĩ và hành động

– Rút ra bài học cho bản thân: đứng trước cái “méo mó” của nhân sinh, cần có cái nhìn lạc quan, hành động quyết đoán, tôi rèn nghị lực để chống chọi với hoàn cảnh, để cải tạo hoàn cảnh…để cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luậnMở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: phân tích đoạn trích mở đầu Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh). Từ đó liên hệ tới phần mở đầu của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) để nhận xét về cách xác lập chân lí về quyền độc lập dân tộc của mỗi tác giả.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Phân tích đoạn trích mở đầu Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh).

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Nội dung: đoạn trích đã khẳng định những quyền thiêng liêng cao cả của con người không ai có thể xâm phạm. Mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đều bình đẳng, có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do…

    + Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã trích dẫn từ hai bản tuyên ngôn của người Pháp và người Mĩ.

    + Dùng phép suy luận tương đồng, sau khi trích Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Người còn “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

    + Rồi cuối cùng khẳng định: “đó là những lẽ phải không ai có thể chối cãi được”.

– Nghệ thuật lập luận: Cách lập luận của Hồ Chí Minh vừa ngắn gọn, súc tích, vừa khéo léo vừa kiên quyết, lập luận sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo và đầy sức thuyết phục.

    + Khéo léo: Hồ Chí Minh tỏ ra trân trọng những tư tưởng tiến bộ, những danh ngôn bất hủ của người Mĩ, người Pháp…

    + Kiên quyết: một mặt Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam dựa trên những chân lí mà người Mĩ và người Pháp đã đưa ra, đồng thời cảnh báo nếu thực dân Pháp tiến quân xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chính họ đã phản bội lại tổ tiên của mình, làm nhơ bẩn lá cờ nhân đạo, thiêng liêng mà những cuộc cách mạng vĩ đại của cha ông họ đã dành được

    + Lập luận sắc sảo, linh hoạt, sáng tạo: lời suy rộng ra của Người mang tư tưởng lớn của nhà cách mạng. Người đã phát triển quyền lợi của con người lên (thành) quyền tự quyết, quyền bình đẳng của các dân tộc trên thế giới. Đây là một đóng góp riêng của tác giả và cũng là của dân tộc ta vào một trong những trào lưu tư tưởng cao đẹp vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại trong thế kỉ XX.

* Từ đó liên hệ tới phần mở đầu của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) để nhận xét về cách xác lập chân lí về quyền độc lập dân tộc của mỗi tác giả.

– Phần đầu Bình Ngô đại cáo: Nêu luận đề chính nghĩa.

    + Nguyễn Trãi chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản của tư tưởng nhân nghĩa và đem đến nội dung mới: nhân nghĩa là yên dân trừ bạo.

    + Chân lí về sự tồn tại độc lập, có chủ quyền của nước Đại Việt: Cương vực lãnh thổ, nền văn hiến, phong tục, lịch sử riêng, chế độ riêng, hào kiệt…

    + Giọng điệu: trang trọng, hào hùng mang tính chất của một lời tuyên ngôn.

– Nhận xét về cách xác lập chân lí về quyền độc lập dân tộc của mỗi tác giả.

    + Giống nhau: Cả hai tác phẩm đều mang giá trị văn học – nhân văn sâu sắc. Cả hai đoạn trích đều xác lập cơ sở pháp lí cho mỗi tuyên ngôn.

    + Khác nhau: Mỗi tác giả đều sáng tạo với vẻ đẹp độc đáo riêng. Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi dựa trên lập trường “Nhân nghĩa” của dân tộc Việt Nam (yên dân, trừ bạo) còn Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đứng trên lập trường quyền bình đẳng, quyền độc lập, tự do của các dân tộc. Bình Ngô đại cáo có phạm vi nội bộ trong nước Đại Việt còn Tuyên ngôn độc lập ngoài việc tuyên bố trước toàn thể dân tộc Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập kế thừa và đưa lên tầm cao mới tư tưởng độc lập dân tộc. Tác phẩm của Nguyễn Trãi theo thể cáo khi văn sử bất phân còn tác phẩm của Hồ Chí Minh theo thể tuyên ngôn…

– Lí giải: (khuyến khích học sinh)

    + Giống: bởi vì cả hai tác giả đều là những danh nhân lớn của VN, tiếp thu tinh hoa dân tộc từ bao đời, có lòng yêu nước, yêu nhân dân.

    + Khác: bởi vì hoàn cảnh sống giữa hai tác giả khác nhau, vốn sống, vốn hiểu biết và tài năng nghệ thuật khác nhau, đặc biệt là ngoài tinh hoa dân tộc, HCM còn tiếp thu cả tinh hoa văn hóa thế giới 1 cách có chọn lọc.

Đề ôn thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2021 có đáp án (Đề 2)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Năm học 2021

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc các đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở khi nghe thầy giáo giảng bài đạo đức về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

…Trong clip, thầy giáo với chất giọng ấm áp, truyền cảm nhắn với các học trò: “Đừng bao giờ để bố các bạn chết rồi, quỳ bên cạnh cái quan tài, khóc bù lu bù loa, bố ơi con xin lỗi bố, đừng nói câu đó, ông ấy không nghe được nữa… Bố mẹ các bạn sáng nay đưa các bạn đến trường, hay các bạn tự đi, thì ở đâu đó vẫn nhớ tới các bạn. Không cớ gì mình làm sai mình không xin lỗi. Ai đó làm sai với giáo viên, cuối giờ hãy chạy tới phòng hội đồng, nói cô ơi con xin lỗi cô ạ. Mọi lỗi lầm đều được hoá giải. Tại sao, lời xin lỗi dễ như vậy nhiều người không nói?”.

(Theo Hàng trăm học sinh khóc nức nở khi nghe thầy giảng bài đạo đức – tác giả Thúy Hằng – báo Thanh niên, ngày 09-01-2018)

(2) “Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề “người nói, kẻ khóc” ấy thì học trò vẫn vậy. Giáo dục phải là quá trình và khi nói sâu vào nỗi đau, đưa cái tổn thương của ai đó để làm giáo dục thì chắc là không ổn. Qua công tác chủ nhiệm, tôi thấy rằng đưa hành vi tích cực để giáo dục thì học sinh tiến bộ hơn, còn không thì chỉ sướng… miệng người nói”, – Thầy Đậu Đình Sanh, một giáo viên bậc THPT.

(Theo Khóc, cười tràn ngập lễ chào cờ: Đâu là mặt trái? Tác giả Hoài Nam – Dantri.com.vn, ngày 24- 01- 2018)

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong các đoạn trích trên là gì?

Câu 2: Theo tác giả đoạn trích (1), vì sao Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở.

Câu 3: Anh/Chị hiểu như thế nào về ý kiến: Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề “người nói, kẻ khóc” ấy thì học trò vẫn vậy.

Câu 4: Anh/Chị có đồng tình với quan niệm: Giáo dục phải là quá trình và khi nói sâu vào nỗi đau, đưa cái tổn thương của ai đó để làm giáo dục thì chắc là không ổn. Vì sao?

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về một vấn đề được nhắn gửi trong đoạn trích (1) của phần Đọc hiểu: Cớ gì mình làm sai mình không xin lỗi.

Câu 2. (5,0 điểm

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh viết:

    Hỡi đồng bào cả nước,

   “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

   Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

   Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.”

   Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

(Trích SGK Ngữ văn 12 tập 1- NXB Giáo dục Việt Nam 2016)

    Anh chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó liên hệ tới bài thơ Chiều tối – trích Nhật kí trong tù (SGK Ngữ văn 11 tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam 2016) để nhận xét về sự đa dạng và thống nhất trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của các đoạn trích:

Đoạn (1): Tự sự

Đoạn (2): Nghị luận

Câu 2: Theo tác giả đoạn trích (1), Hàng trăm học sinh trường THCS Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nức nở.Vì:

    + nghe thầy giáo giảng bài đạo đức về công ơn cha mẹ, cách ứng xử với thầy cô giáo.

    + Nội dung lời giảng của thầy động chạm đến trái tim và lỗi lầm của mỗi người.

Câu 3: Cách hiểu về ý kiến: Ở trường mình, học sinh cũng từng khóc đầm đìa vì bài nói chuyện của một diễn giả. Tốt hay xấu tôi không đánh giá nhưng sau buổi chuyên đề “người nói, kẻ khóc” ấy thì học trò vẫn vậy.

    + Những buổi nói chuyện chuyên đề thường tạo ra hiệu ứng tức thời cho học sinh.

    + Nhưng về lâu dài thì không có gì thay đổi.

Câu 4: – Học sinh tự do trình bày suy nghĩ cá nhân, đồng tình hoặc không đồng tình.

– Lí giải thuyết phục, sâu sắc.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

a. Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn nghị luận

Thí sinh có thể trình bày đọan văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận.

Hành động xin lỗi khi làm sai của mỗi người.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

– Xin lỗi: là hành động tự nhận khuyết điểm, sai lầm về mình. Xin lỗi còn là sự đồng cảm, sẻ chia đối với người bị ta làm tổn thương, thiệt hại. Biết xin lỗi là mong muốn được đền bù thiệt hại và tha thứ. Điều nhắn gửi ở đây là làm sai thì phải biết xin lỗi.

– Biết cảm ơn hay xin lỗi là một trong các biểu hiện của ứng xử có văn hóa của con người. Đó cũng là hành vi văn minh, lịch sự trong quan hệ xã hội.

– Lời xin lỗi thể hiện trách nhiệm của con người với cuộc sống. Đó là một nét đẹp trong phong cách ứng xử, thể hiện một nhân cách tốt đẹp, cao thượng.

– Biết nói lời xin lỗi là tự nhắc nhở mình trước những sai phạm. Đồng thời hứa với người khác hành động này không còn tái diễn nữa.

– Lời xin lỗi có thể giải quyết xung đột, chữa lành tổn thương, thúc đẩy sự tha thứ, lòng vị tha và cải thiện mối quan hệ trong cả đời sống cá nhân, cộng đồng.

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề. Thân bài triển khai được vấn đề. Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Phân tích đoạn trích mở đầu Tuyên ngôn độc lập, liên hệ tới bài thơ Chiều tối, nhận xét về sự đa dạng và thống nhất trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh.

c. Triển khai vấn đề nghị luận Vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

* Giới thiệu ngắn gọn về tác giả, tác phẩm, đoạn trích

* Phân tích đoạn trích

Thí sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần đáp ứng các yêu cầu sau:

– Nội dung: Mọi người, mọi dân tộc trên thế giới đều bình đẳng, có quyền sống, quyền sung sướng, quyền tự do.

– Cách thức thể hiện nội dung.

    + Trích dẫn “Tuyên ngôn độc lập của Mỹ” năm 1776 và “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp” năm 1791, làm cơ sở pháp lí.

    + Dùng phép suy luận tương đồng Suy rộng ra…

    + Dùng câu văn khẳng định : Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

    + Cách viết ngắn gọn, súc tích, khôn khéo, thông minh, sáng tạo và đầy sức thuyết phục.

– Hiệu quả.

    + Khẳng định quyền tự do độc lập là của mọi dân tộc chứ không riêng bất cứ quốc gia nào, đó là lẽ phải là chân lí.

    + Thủ pháp gậy ông đập lưng ông đã bác bỏ một cách hiệu quả luận điệu dối trá của thực dân Pháp.

    + Một cách kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc thông qua việc đặt nền độc lập của Mỹ và Pháp ngang với nền độc lập của Việt Nam.

    + Từ quyền bình đẳng tự do của con người, Hồ Chí Minh phát triển thành quyền bình đẳng tự do của dân tộc, một đóng góp to lớn với lịch sử tư tưởng nhân loại và phong trào giải phòng dân tộc trên thế giới.

* Liên hệ tới bài thơ Chiều tối

– Nội dung: Mượn hình ảnh cánh chim,chòm mây, cô gái xay ngô và lò than rực hồng, HCM đã khắc họa vẻ đẹp bức trang thiên nhiên và bức tranh cuộc sống con người lúc chiều muộn. Cảnh thiên nhiên đang chuyển vào đêm tối, ánh sáng ban ngày lụi dần và tắt hẳn. Nhưng khi màn đêm buông xuống thì ánh sáng của con người trở thành trung tâm chi phối cái nhìn và cảm xúc của nhân vật trữ tình.

= >Ngoại cảnh cũng là tâm cảnh. Bài thơ cho ta gặp tâm hồn cao đẹp của Hồ Chí Minh: Nhạy cảm trước thiên nhiên, cuộc sống; lòng nhân ái đến mức quên mình, tinh thần lạc quan cách mạng luôn hướng về sự sống ánh sáng của một thi sĩ – chiến sĩ.

– Bút pháp nghệ thuật: vừa đậm màu sắc cổ điển vừa thể hiện tinh thần thời đại:

    + Cổ điển: Thể thơ tứ tuyệt hàm súc; bút pháp chấm phá, gợi hơn là tả; thi đề, hình ảnh quen thuộc; nhân vật trữ tình hòa hợp với thiên nhiên, ung dung tự tại

    + Hiện đại : Nhân vật trữ tình chiếm vị trí chủ thể trong bức tranh phong cảnh. Tư tưởng và hình tượng thơ vận động từ bóng tối lạnh lẽo ra ánh sáng ấm áp, luôn hướng đến sự sống, tương lai.

* Nhận xét về phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh

– Tính đa dạng:

Mỗi thể loại Hồ Chí Minh đều tạo được những nét riêng độc đáo và hấp dẫn:

    + Văn chính luận: Thường ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, bằng chứng thuyết phục, thấm đượm tình cảm lại giàu hình ảnh, giọng điệu đa dạng, khi ôn tồn thấu tình đạt lý, khi đanh thép mạnh mẽ, hùng hồn.

    + Thơ ca nghệ thuật hầu hết là thơ tứ tuyệt với bút pháp cổ điển kết hợp hài hòa với tinh thần hiện đại

– Tính thống nhất:

Phong cách nghệ thuật của Bác đa dạng ở các thể loại nhưng lại thống nhất ở cách viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị, sử dụng linh hoạt các bút pháp và thủ pháp nghệ thuật, thể hiện nhuần nhị và sâu sắc tư tưởng, tình cảm của người cầm bút; đồng thời, từ tư tưởng tới hình tượng nghệ thuật đều luôn luôn vận động một cách tự nhiên nhất quán, hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai.

Đề ôn thi THPT Quốc gia môn Văn năm 2021 có đáp án (Đề 3)

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia

Năm học 2021

Bài thi môn: Ngữ văn

Thời gian làm bài: 120 phút

(không kể thời gian phát đề)

I. Đọc hiểu (3 điểm)

Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

THỜI GIAN

Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

Kỷ niệm trong tôi

Rơi những tiếng sỏi

trong lòng giếng cạn

Riêng những câu thơcòn xanh

Riêng những bài hátcòn xanh

Và đôi mắt em như hai giếng nước.

(Theo Văn Cao, cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1996, tr.80)

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi, lãng quên những điều gì nhưng lại không thể khuất phục những điều gì?

Câu 3. Nêu hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ được sử dụng trong các diễn đạt: những câu thơ còn xanh, những bài hát còn xanh.

Câu 4. Theo anh/chị, chúng ta cần làm gì khi ý thức được sự trôi chảy của thời gian.

II. Làm văn (7 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Từ đoạn trích thuộc phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự qúy giá của thời gian.

Câu 2 (5.0 điểm)

Bàn về tác phẩm văn học, nhà văn Vô-rô-nin cho rằng: Câu đầu là một thứ âm chuẩn, giúp cho việc tạo nên âm hưởng chung của toàn bộ tác phẩm; tác giả Phuốc-ma-nốp lại khẳng định: Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật thuộc về đoạn cuối.

Anh/chị có suy nghĩ như thế nào về các ý kiến trên? Hãy bình luận và làm sáng tỏ các ý kiến thông qua việc tìm hiểu phần mở đầu và kết thúc của tác phẩm Chí Phèo (Nam Cao).

Gợi ý đáp án

I. ĐỌC HIỂU:

Câu 1: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do.

Câu 2: Sự trôi chảy của thời gian làm thay đổi khô những chiếc lá, làm lãng quên kỉ niệm (chỉ còn vang vọng như tiếng sỏi rơi vào lòng giếng cạn) nhưng lại không thể khuất phục được những câu thơ, những bài hát và đôi mắt em.

Câu 3: Hiệu quả của phép tu từ ẩn dụ:

– Khẳng định vẻ đẹp, sức sống vĩnh cửu của những câu thơ, những bài hát.

– Thể hiện niềm tin của tác giả về sự trường tồn của những giá trị tinh thần của cuộc đời.

– Làm cho câu thơ, hình ảnh thơ thêm sinh động, ấn tượng.

Câu 4: Học sinh có thể trả lời theo nhiều cách nhưng nhưng dù cách nào cũng cần ngắn gọn, có quan điểm riêng, tránh diễn đạt chung chung hoặc hô hào khẩu hiệu sáo rỗng. Gợi ý:

– Biết quý trọng thời gian, trân trọng những gì đang có.

– Sử dụng quỹ thời gian hiệu quả.

– Sống trọn vẹn, có ý nghĩa trong từng phút giây của cuộc đời.

– Lưu giữ giá trị của bản thân để nó trường tồn và nối tiếp ở thế hệ sau, khuất phục thời gian.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

a. Đảm bảo hình thức của đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sự quý giá của thời gian.

c. Nội dung đoạn văn

– Vì sao thời gian quí giá?

    + Với thời gian, con người có thể lao động sản xuất để sinh tồn, tạo dựng của cải vật chất, để yêu thương, gắn bó.

    + Thời gian trôi chảy rất nhanh, lại tuyến tính, một đi không trở lại …

    + Mỗi con người lại chỉ có một quĩ đời ngắn ngủi vì vậy thời gian càng quý giá…

Câu 2:

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: khả năng kì diệu của sự gợi mở và khép lại tác phẩm; bàn luận; chứng minh qua việc tìm hiểu mở đầu và kết thúc của tác phẩm Chí Phèo.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

1. Giải thích

– Ý kiến của Vô-rô-nin:

    + Câu đầu: câu văn mở đầu, phần mở đầu của một tác phẩm.

    + Âm chuẩn: âm thanh chuẩn xác, mẫu mực, chủ đạo.

→ Giọng điệu, âm hưởng của phần mở bài sẽ chi phối và quyết định âm hưởng, giọng điệu chung của cả tác phẩm.

– Ý kiến của Phuốc-ma-nốp: Sức mạnh của cú đấm nghệ thuật thuộc về đoạn cuối → Với cách nói hình tượng, Phuốc-ma-nốp đã nói lên vị trí không thể thiếu của phần kết luận trong một tác phẩm. Giống như cú nốc-ao đầy thuyết phục trong một trận đấu, nó là khâu then chốt đóng vai trò quyết định trong việc khẳng định giá trị, sức sống của một tác phẩm và có tác động mạnh mẽ đến người đọc.

→ Tổng hợp ý kiến hai nhà văn, ta thấy cần nhấn mạnh và đánh giá cao vai trò của phần mở đầu và kết thúc, nhấn mạnh khả năng kì diệu của sự gợi mở và khép lại tác phẩm.

2. Bàn luận

Khẳng định tính đúng đắn của hai ý kiến:

– Phần mở đầu và kết thúc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với một tác phẩm văn học. Điều này được thể hiện ở tất cả các thể loại, đặc biệt là truyện ngắn.

– Tác phẩm tự sự nào cũng cần phải có cốt truyện. Cốt truyện là một chuỗi các sự kiện được tạo dựng, là khung xương của tác phẩm. Cốt truyện gồm 5 phần: trình bày(= mở đầu), thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút(= kết thúc). Các bước diễn biến của cốt truyện đi từ mở đầu đến phát triển và kết thúc. Vì thế, trong các yếu tố của cốt truyện, nhà văn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của đoạn mở đầu và đoạn kết. Phần mở như một khúc dạo đầu, định hình ý tưởng của tác giả, quyết định sự lôi cuốn, hấp dẫn của tác phẩm đối với bạn đọc; phần kết lại là khúc vĩ thanh gói lại tác phẩm đồng thời mở ra trong lòng bạn đọc những suy nghĩ, liên tưởng mới, kết tinh tư tưởng của tác phẩm.

– Trong kết cấu của một tác phẩm văn học, sự sắp xếp các phần theo một trật tự hợp lí, thể hiện ý đồ nghệ thuật của người viết. Nếu thay đổi trật tự hoặc thiếu đi phần nào sẽ làm mất đi tính thống nhất của một chỉnh thể toàn vẹn. Trong chỉnh thể đó phần mở đầu và kết thúc không thể thiếu, bởi theo Aristote: Cái hoàn chỉnh là cái có phần đầu, phần giữa và phần cuối, theo Lưu Hiệp thì phải tổng văn lí (thống nhất mạch lạc bài văn), thống đầu vĩ (liên kết mở đầu và kết thúc) hay theo Nhữ Bá Sĩ không đóng, mở, kết cấu thì không thành văn chương.

→ Tác dụng, ý nghĩa của phần mở – kết: vừa tạo cho tác phẩm một chỉnh thể thống nhất vừa chuyển tải tư tưởng, chủ đề của tác phẩm, thể hiện tư tưởng của nhà văn, đồng thời tác động mạnh mẽ tới tâm hồn bạn đọc.

3/ Chứng minh qua tác phẩm Chí Phèo

* Phần mở đầu:

– Cách mở đầu: Truyện được mở đầu bằng đoạn văn miêu tả, nhận xét tiếng chửi của nhân vật chính – một kẻ đang say rượu. Đây là cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và cách mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện.

– Ý nghĩa:

    + Cách vào truyện bằng hình ảnh rất sống động của một kẻ say đang vừa đi vừa chửi có ý nghĩa lớn trong việc tạo tính hấp dẫn, gợi hứng thú, lôi cuốn người đọc vào diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

    + Cách chửi của nhân vật khá độc đáo: thoạt đầu vu vơ, sau đó thu hẹp dần và cuối cùng bất ngờ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn

    + Cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng linh hoạt (đan xen nhiều điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu) làm đoạn văn có ấn tượng riêng khó quên.

    + Ngay từ đoạn mở đầu, số phận, tích cách nhân vật đã được khái quát, khắc sâu giá trị tư tưởng tác phẩm.

=> Khái quát một tính cách hết sức đặc biệt: tính cách một kẻ khùng, thằng say đang ở trong trạng thái lưỡng phân: nửa say – nửa tỉnh. Khái quát một số phận vô cùng bi đát: số phận của con người đang bị đồng loại chối từ.

* Kết thúc

– Cách kết thúc:

    + Cái chết thảm khốc của nhân vật Chí Phèo

    + Nhà văn đã lặp lại hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang ở phần đầu tác phẩm – nơi Chí Phèo bị bỏ rơi – để kết thúc truyện.

– Ý nghĩa:

    + Với việc để Chí Phèo tự vẫn vì không thể trở về với cuộc đời lương thiện, tác giả khắc sâu bi kịch số phận nhân vật và tố cáo sâu sắc xã hội đương thời.

    + Hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang được lặp lại tạo thành một kết cầu vòng tròn, một kết thúc để ngỏ, có giá trị biểu hiện sâu sắc, buộc người đọc phải suy ngẫm liên tưởng thêm những tầng nghĩa mới có thể có mà tác giả gửi gắm (phản ánh, tố cáo hiện thực; dự báo, thức tỉnh,…

4. Đánh giá, nâng cao vấn đề

– Ý kiến đúng đắn, quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, được đúc rút từ chính những trải nghiệm của các nhà văn bậc thầy của văn học Nga và thế giới.

– Đây là công phu sáng tạo in đậm dấu ấn tài năng và phong cách tác giả. Mở đầu và kết thúc truyện ngắn Chí Phèo chứng tỏ Nam Cao là cây bút hiện thực tỉnh táo, nhà văn của chủ nghĩa nhân đạo lớn không chỉ với tình thương mà còn ở lòng tin vào con người.

– Yêu cầu đặt ra cho công phu sáng tạo mở đầu và kết luận không chỉ đúng với truyện ngắn mà còn với tất cả các thể loại văn học khác (ký, kịch, thơ, tiểu thuyết…), đòi hỏi trách nhiệm của người nghệ sĩ trong quá trình lao động nghệ thuật, đồng thời đòi hỏi khả năng đồng sáng tạo của bạn đọc trong tiếp nhận văn học.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *